Tảng đá núi lửa về truyền thuyết cửu vĩ hồ (cáo chín đuôi) lấy bối cảnh vào thế kỷ 12 tại cung đình ở Kyoto, kinh đô cũ của 'xứ sở hoa anh đào', đã nứt đôi ở Vườn Quốc gia Nikko.
Với quá nhiều những bí ẩn nhân loại chưa có lời giải đáp, liệu con người có nên lo lắng về một con cáo chín đuôi có thể sống trong một khu rừng ở Nhật Bản hay không? Câu trả lời một phần phụ thuộc vào thần thoại cổ Nhật Bản.
Trong tháng 3/2022, một tảng đá núi lửa đã tách đôi ở Vườn Quốc gia Nikko, cách thủ đô Tokyo khoảng 160 km về phía bắc. Theo một hướng dẫn viên tại công viên, tảng đá cao khoảng 2 mét với chu vi 8 mét.
‘Tảng đá chết chóc’ hoặc ‘sessho-seki’ trong tiếng Nhật từ lâu đã được gắn với một truyền thuyết cổ của Nhật Bản, trong đó chứa linh hồn một con cáo ác quỷ. Một số người suy đoán rằng vết gãy gần đây sẽ khiến con cáo có thể thoát ra ngoài và gây hại cho vùng đất.
Nhưng có nhiều người khác lại tin vào một kết thúc tươi sáng hơn của truyền thuyết cổ. Trong câu chuyện đó, sau khi một nhà sư tách tảng đá thành nhiều mảnh nhỏ và dỗ dành con cáo, nàng hứa sẽ không bao giờ làm hại con người nữa.
Báo chí Nhật Bản có rất nhiều giả thuyết về việc tảng đá vỡ ra có ý nghĩa như thế nào đối với con người: Rằng đó là lời cảnh báo trước về một thảm họa hay một điềm lành? Ông Nick Kapur, Giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Rutgers tin rằng, đây có thể là một dấu hiệu cho thời đại của chúng ta.
Cửu hồ ly trong truyền thuyết
Truyền thuyết cửu vĩ hồ, hay còn gọi là cáo chín đuôi, được lấy bối cảnh vào thế kỷ 12 tại cung đình ở Kyoto, kinh đô cũ của Nhật Bản. Các học giả cho biết câu chuyện xuất hiện lần đầu tiên trong các văn bản viết từ thế kỷ 15.
Dựa theo ghi chép từ thời phong kiến Nhật Bản (khoảng thời kỳ Heian), cửu vĩ hồ hay cáo chín đuôi, được mô tả là một thú thần có 9 đuôi. Bộ lông của nó có màu đỏ hoặc trắng và có tiếng kêu như trẻ sơ sinh.
Trong phiên bản nguyên sơ nhất, Thiên hoàng Toba – Thiên hoàng thứ 74 tại Nhật Bản trong Triều đại Toba kéo dài từ năm 1107 đến năm 1123, đã bị mê hoặc bởi một vị khách xinh đẹp và thông minh, nàng Tamamo no Mae. Với diện mạo kiều diễm, con cáo trong lốt thiếu nữ đã nhận được sự sủng ái của Toba.
Khi Toba lâm bệnh nặng, Abeno Yasuraka – vị Âm dương sư của Thần điện đã tìm được chân tướng, rằng chính yêu quái thoát ra từ Tamamo đã khiến bệnh của Thiên hoàng ngày một xấu đi. Bị phát hiện, nàng hóa trở lại thành hình hài con cáo lông vàng và chạy trốn vào vùng hoang dã.
Ngay lập tức, triều đình ra lệnh truy đuổi và tiêu diệt con cáo. Trên đường chạy trốn, hồ ly đã ăn thịt không ít người dân. Nhờ vậy mà nó bị phát hiện đang ẩn náu tại Nasunogahara. Hay tin, Thiên hoàng đã lệnh cho các vị anh hùng của vùng Sagaminokuni (tỉnh Kanagawa ngày nay) là Miura Yoshiaki cad Kazusanosuke Hirotsune đi tiêu diệt hồ ly. Cuối cùng, con cáo đã bị bắn gục tại Nasunogahara.
Tuy nhiên, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó. Với chút sức lực cuối cùng còn sót lại, con cáo đã hóa thân thành một tảng đá. Đây là tảng đá sở hữu khả năng giết người và động vật nhờ độc tố phát ra nếu lại gần.
Trong thực tế ở Triều đại Toba, cái chết của Thiên hoàng Toba gây ra một cuộc khủng hoảng kế vị dẫn đến một kỷ nguyên chiến đấu của samurai và sự thống trị của quân đội.
“Rất có thể, câu chuyện về hồ ly Tamamo no Mae bắt nguồn từ thế giới thực trong chính trị Thần điện lúc bấy giờ”, học giả Janet Goff đã viết trong một bài luận năm 1997 về loài cáo trong văn hóa Nhật Bản.
Trong một phiên bản khác của truyền thuyết - một câu chuyện xuất hiện trong các vở kịch cổ và các cuộn tranh minh họa ở Nhật Bản, thiền sư Genno Shinshou khi đi ngang qua tảng đá thì một cô gái đã xuất hiện, cảnh báo ông không được đến gần. Cô nói rằng nó sẽ giết chết bất cứ con người hoặc loài thú nào dám làm vậy.
Người thiếu nữ đã thừa nhận rằng mình chính là linh hồn của tảng đá và biến mất vào phía trong. Tuy nhiên, thiền sư đã không bỏ đi, ông đứng trước hòn đá, tụng kinh rồi vung gậy chém xuống. Tảng đá vỡ vụn và cô gái xuất hiện trở lại, hứa sẽ không bao giờ làm hại con người rồi biến mất trong không gian.
Một con cáo cho thời đại của chúng ta
Tảng đá vỡ đôi ở Công viên Quốc gia Nikko nằm trong một khu rừng rậm rạp với các suối nước nóng lưu huỳnh. Nhân viên kiểm lâm đã chụp rất nhiều bức hình về các vết nứt trên tảng đá trong nhiều năm, và các quan chức địa phương cho rằng, vết nứt cuối cùng là do khí độc và nước mưa thấm vào.
Riko Kitahara, một quan chức trong Công viên Quốc gia Nikko cho biết: “Hòn đá là tài sản văn hóa do chính phủ chỉ định, chính vì vậy chúng tôi không thể tự mình quyết định phải làm gì. Nhưng từ quan điểm bảo tồn, chúng tôi nghĩ rằng tảng đá nên được giữ nguyên như vậy vì nó đã tách ra một cách tự nhiên”.
Đá Nikko đã được tỉnh Tochigi chỉ định là tài sản văn hóa vào năm 1957 và trở thành danh lam thắng cảnh của chính phủ quốc gia vào năm 2014. Tảng đá được cho là một trong số những viên đá mà vị thiền sư khi xưa đã tạo ra khi ông phá vỡ tảng đá lớn chứa linh hồn cửu vĩ hồ trong cuộc gặp gỡ thần thoại.
Chính phủ cho biết nhà thơ thế kỷ 17 Matsuo Basho đã từng đề cập đến hòn đá khi ông viết về cuộc gặp gỡ với một hòn đá phát ra khói độc, được bao phủ bởi rất nhiều loài ong và bướm chết đến mức khó có thể nhìn thấy màu của mặt đất.
Ông Masaharu Sugawara, 83 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch tình nguyện tại Công viên Quốc gia Nikko cho biết, việc nhà thơ nhắc đến phiến đá từ lâu đã trở thành điểm thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, nhiều loài động vật bị thu hút tới các suối nước nóng gần tảng đá vào mùa đông đôi khi sẽ chết vì khí độc.
“Như nhà thơ Matsuo Basho đã viết, đó là một dấu tích đáng sợ”, ông kể.
Ít nhất đã có nhiều người đã nói rằng họ tin việc viên đá bị nứt vỡ là một dấu hiệu tốt, không phải là một điềm báo về sự diệt vong sắp xảy ra. Một số người thậm chí còn bày tỏ hy vọng rằng đó có thể là chính xác những gì thế giới cần vào thời điểm hỗn loạn này trong lịch sử.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook gần đây, một hiệp hội du lịch ở khu vực Nikko nói rằng, họ hy vọng sự nứt vỡ của hòn đá sẽ trở thành một ‘điềm báo tốt lành’ và cáo chín đuôi có lẽ có thể ‘chế ngự đại dịch và tình hình thế giới hiện tại’.