Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, giá thực phẩm nói chung và thịt lợn nói riêng có xu hướng ổn định do nguồn cung dồi dào và nhu cầu ổn định nhờ giá nguyên liệu trong nước được duy trì.
Theo khảo sát ngày 4/9, giá lợn hơi vẫn duy trì ổn định, dao động trong khoảng 61.000 - 67.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi không có nhiều biến động, thấp nhất là 64.000 đồng/kg vẫn duy trì ở Lào Cai và Ninh Bình. Ngược lại, ở Hà Nội giữ mức 67.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Các tỉnh, thành còn lại giữ giá quanh mức 65.000 - 66.000 đồng/kg. Tương tự ở miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi tại Thanh Hóa vẫn cao nhất khu vực là 65.000 đồng/kg. Trái lại giá thấp nhất là 62.000 đồng/kg ở các tỉnh như: Quảng Trị, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Những địa phương còn lại có giá lợn hơi 63.000 - 64.000 đồng/kg.
Khu vực miền Nam, thị trường cũng đang trong kỳ nghỉ lễ nên không có sự biến động đáng kể; giá lợn hơi ở Bà Rịa - Vũng Tàu duy trì mức cao nhất khu vực là 65.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Bến Tre chỉ 61.000 đồng/kg, thấp nhất cả nước. Các tỉnh, thành còn lại dao động 62.000 - 64.000 đồng/kg.
Nhìn lại diễn biến giá thịt lợn hơi từ đầu năm cho thấy, từ tháng 1/2024 giá lợn hơi hồi phục trở lại (52.500 đồng/kg) và có xu hướng tăng dần, đến tháng 6/2024 giá tăng đỉnh điểm, đạt 68.500 đồng/kg. Từ tháng 6/2024 đến nay chăn nuôi lợn có xu hướng giảm đàn nên tại thời điểm gần cuối tháng 7/2024 giá lợn hơi của cả nước giảm từ 0,4 - 1,6% so với trung bình tháng 6/2024 nhưng vẫn ở mức cao từ 64.000 - 66.500 đồng/kg, cá biệt có nơi và có những ngày giá lợn hơi đạt trên 70.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi đã có lãi.
Theo đánh giá của Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2024, giá lợn hơi trong nước sẽ cao hơn giá bình quân của năm 2023 khoảng 12%. Với giá bình quân khoảng 62.000 đồng/kg lợn hơi, người chăn nuôi đạt lợi nhuận từ 1,5 - 2 triệu đồng/con khi bán ra thị trường. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng là do nguồn cung sụt giảm chứ không phải vì nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng lên.
Chỉ ra cơ hội và giải pháp tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Quốc Đạt cho rằng, với hơn 100 triệu dân và đông đảo khách du lịch đến Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt ở thị trường trong nước còn rất lớn. Do đó, để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, điều quan trọng là phải có quỹ đất dành riêng cho chăn nuôi. Ngành chăn nuôi cũng cần tổ chức lại khâu sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ và có sự liên kết với các hộ chăn nuôi.
Được biết, nhằm hỗ trợ cho ngành chăn nuôi phát triển, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các dự án với số tiền từ 100 triệu đồng đến 10 tỷ đồng. Cụ thể theo Nghị định số 106/2024/NĐ-CP về các chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi vừa được Chính phủ ban hành quy định: Hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện xây dựng vùng trồng cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường trục chính nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức, cá nhân chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đối với dự án có tổng công suất sản xuất thiết kế đạt tối thiểu 100.000 tấn/năm. Mức hỗ trợ đầu tư không quá 50% tổng chi phí thực hiện dự án và tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án. Mức hỗ trợ lớn nhất được đề cập trong nghị định này liên quan đến việc di dời các dự án chăn nuôi. Theo đó, mức hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời, mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở...