Giáo dục

Tăng học phí đại học có đi kèm tăng chất lượng đào tạo?

Nguyễn Hoài 04/01/2024 13:49

Dù đã được dự báo trước song việc học phí đại học năm học 2023-2024 tăng so với năm học trước là nỗi lo không nhỏ với nhiều người học.

Học phí đại học tăng thấp hơn so với lộ trình

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP “quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo” (Nghị định 97)

Theo đó, Nghị định 97 điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Tức là, học phí năm học 2023-2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Chính phủ quy định, trần học phí với các trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học tới là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành. Mức thu hiện nay được giữ vững từ năm 2021 - 2022 do ảnh hưởng dịch Covid-19 là 980.000 đến 1,43 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Mức trần học phí đại học với từng khối ngành như sau:

hoc-phi.png

So với mức thu cũ, trần học phí năm học 2023-2024 ở khối ngành Y - Dược tăng mạnh nhất (71,3%). Trần học phí các khối ngành khác tăng dao động 20-30%.

Với những trường đại học đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng khoảng 2,5 lần mức trên, tức 2,4-5,5 triệu đồng/tháng.

Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ GDĐT hoặc theo tiêu chuẩn nước ngoài, các đại học được tự xác định học phí nhưng phải công khai.

Chất lượng đào tạo có tăng?

Học phí năm học 2023-20224 tăng mạnh so với năm học trước là nỗi lo không nhỏ với nhiều sinh viên. Với những sinh viên không có điều kiện khá giả, thời điểm này, các em dự kiến tìm việc làm thêm để có tiền đóng học phí.

Dù không thuộc gia đình hộ nghèo, nhưng hai năm nay, em Nguyễn Lâm Anh, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Ngoại Thương vẫn tự gồng gánh tiền học phí vì không muốn bố mẹ lo lắng.

W_img_6981.jpg
Một giờ học của sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Hiện mỗi tháng thu nhập từ việc dạy gia sư Tiếng Anh cho 2 em học sinh của Lâm Anh là hơn 2 triệu đồng/tháng. Trước thông tin học phí đại học tăng khi năm học 2023-2024 đang diễn ra giữa chừng, Lâm Anh cho biết, em sẽ phải phân bổ lại quỹ thời gian để làm thêm một việc khác để có thêm tiền trang trải học phí.

Với học sinh đang học lớp 12, việc tăng học phí khiến các em không khỏi băn khoăn trong việc chọn ngành, chọn trường vừa phù hợp với năng lực bản thân vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.

Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội), phụ huynh có con năm nay học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ cho hay, học phí là một trong những yếu tố để gia đình chị cân nhắc việc chọn trường cho con. “Tôi hy vọng, học phí đại học tăng sẽ đi kèm với tăng chất lượng đào tạo”, chị Phương nói.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguyện vọng của phụ huynh với các trường về việc tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng là chính đáng.

Các cơ sở đào tạo đại học cũng nhận thức rõ điều này để có sự chủ động và nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học cũng như tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho sinh viên.

Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, nhà trường đã dành khoảng 68 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn, sinh viên gia đình chính sách...

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, thực hiện Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường rà soát toàn bộ các ngành, nhóm ngành đào tạo hiện có. Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định, yên tâm cho sinh viên cũng như cho gia đình người học, nhà trường dự kiến mức tăng nhẹ, khoảng 8%.

Bộ GDĐT cho biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng thể, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 81/2021/NĐ-CP để xác định lộ trình học phí phù hợp, đảm bảo thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và quy định về tự chủ tài chính.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng học phí đại học có đi kèm tăng chất lượng đào tạo?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO