Nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến tăng học phí trong năm học tới với mức tăng chủ yếu khoảng 10 - 15% so với hiện tại. Phụ huynh, sĩ tử băn khoăn về việc chọn ngành, chọn trường như thế nào để đúng sở thích, phù hợp năng lực và điều kiện kinh tế của gia đình cùng cơ hội việc làm sau khi ra trường có đủ… trả nợ?
Năm học 2023 – 2024, nhiều cơ sở giáo dục thông báo điều chỉnh mức tăng học phí. Cùng với đó, chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao, học phí sẽ được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo, tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15% năm. Như vậy cũng đồng nghĩa, học phí sẽ tăng theo từng năm.
Cụ thể, Trường Đại học Y Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh ĐH 2023 với mức học phí dự kiến từ 20,9-55,2 triệu đồng/năm tùy ngành. Trong đó, 2 ngành Y khoa, Y học cổ truyền có mức hoc phí cao nhất 55,2 triệu đồng. Với các năm sau, nhà trường áp dụng mức tăng học phí không quá 12,5%. So với mức học phí năm 2022 khoảng 18,5- 24,5 triệu đồng/năm (mỗi năm học tính 10 tháng) thì năm nay có ngành đã tăng gần gấp đôi. Mức học phí năm 2021 của trường khoảng 14,3 triệu đồng/năm.
Học viện Tài chính dự kiến áp dụng mức học phí mới cho tân sinh viên năm học 2023 - 2024 từ 22 - 24 triệu đồng với các ngành đào tạo theo chương trình chuẩn (tăng 10 - 20% so với năm học trước). Học phí với chương trình chất lượng cao tăng nhẹ lên 48 - 50 triệu đồng.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến học phí hệ đại trà 500.000 đồng/tín chỉ với khóa sinh viên năm 2023 - 2024 (tăng 60.000 đồng/tín chỉ so với năm trước). Tương tự, hệ chất lượng cao cũng tăng lên 1,5 triệu đồng/tín chỉ, so với mức cũ 1,3 triệu đồng.
Trong bối cảnh các trường liên tục thông báo tăng học phí rồi lộ trình tăng học phí theo từng năm được nhà trường công khai, các bậc phụ huynh lại càng căng thẳng, lo lắng. Bởi, ngay cả với những gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm cũng khó để đăng ký cho con theo học những ngành có học phí lên tới hàng trăm triệu đồng/năm, chưa nói đến những gia đình trông chờ vào thu hoạch hoa màu, nông sản vốn bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết mỗi năm.
Chị Phạm Thu Hà (quê ở Hà Nam) hiện đang là bác sĩ một bệnh viện công ở Hà Nội cho biết, lương khởi điểm khi mới ra trường là 3,7 triệu đồng cùng phụ cấp gần 2 triệu đồng/tháng. Nếu không tính tiền làm thêm ngoài giờ, tiền trực thì chị chỉ đủ nuôi bản thân vì phải thuê nhà, trả góp tiền mua xe máy. “Tôi may mắn được ký hợp đồng luôn, trong khi có những anh chị làm vài năm không lương mới được ký hợp đồng chính thức. Ngoài ra tôi đăng ký làm thêm ở phòng khám tư những thời gian rảnh, tất bật suốt ngày nhưng cũng không đủ để trả nợ ngân hàng khoản tiền đã vay để học ĐH trong 6 năm qua, bố mẹ vẫn phải cùng trả nợ hàng tháng” – chị Hà nói và cho biết ước mơ học tiếp cao học tạm thời gác lại, khi nào trả xong nợ và kiếm đủ tiền đóng học phí vì giờ cũng đã tăng cao.
Với nhiều ngành nghề, đặc biệt là ngành y, việc học tiếp lên cao sau khi tốt nghiệp ĐH gần như là bắt buộc nếu không muốn mình bị tụt hậu. Nhưng chi phí cao, thời gian làm việc nhiều, công việc căng thẳng thực sự là vấn đề nhiều sinh viên sau tốt nghiệp ra trường phải đối mặt. Vậy trở lại câu chuyện học phí ĐH tăng cao, thời gian học kéo dài so với nhiều ngành nghề khác, trong khi bức tranh về cơ hội việc làm cũng chưa hẳn tươi sáng, liệu bao nhiêu học sinh giỏi dám chọn ngành y để theo đuổi trong mùa tuyển sinh này?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH - CĐ Việt Nam cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là các trường công lập tăng học phí bao nhiêu vì điều này đã có quy định cụ thể tại Nghị định 81. Trường nào làm sai sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, cần giải quyết bài toán làm sao để người nghèo cũng được học đại học?
“Đó là cam kết trách nhiệm của các trước về chính sách ưu đãi, học bổng đối với các đối tượng cần ưu tiên, hỗ trợ. Đó là cộng đồng trách nhiệm từ phía các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng chung tay để mọi người dân được tiếp cận giáo dục ĐH khi có nguyện vọng, năng lực. Bên cạnh đó không thể thiếu các gói chính sách tín dụng với mức ưu đãi hợp lý và thủ tục thuận lợi để những gia đình có nhu cầu có thể vay vốn để trang trải học phí cho con em học ĐH. Cuối cùng là câu chuyện việc làm sau khi ra trường, chế độ đãi ngộ ra sao để người học có hướng trả nợ chứ không thể để bố mẹ còng lưng trả nợ thay con được” – ông Khuyến nhấn mạnh.
Trên thực tế, từ năm học trước nhiều trường cũng đã tăng học phí, thậm chí một số trường Y đã điều chỉnh mức tăng học phí lên trên 70%, như Trường ĐH Y Dược Thái Bình, tăng từ 29 - 71% so với năm học 2021. Hay học phí Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng cũng tăng 4,2 - 10,2 triệu đồng/năm tùy ngành, tương đương 29 - 71%. Dù việc các trường tăng học phí là chuyện sớm hay muộn nhưng với hầu hết các gia đình khi chính thức nhận thông tin điều chỉnh học phí vẫn bất ngờ, lo lắng và thêm một lý do để cân nhắc khi chọn trường, điền nguyện vọng học ĐH.