Thông báo từ nhiều trường đại học (ĐH), học viện dự kiến tăng 10-20% học phí từ năm học 2023-2024 khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Công khai lộ trình tăng học phí
Trường ĐH Điện lực vừa thông báo mức thu học phí năm học 2023-2024 đối với sinh viên khối kinh tế là gần 16 triệu đồng và gần 18 triệu đồng với khối kỹ thuật (tăng 14,3% so với năm học trước).
Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng dự kiến nâng mức thu học phí hệ đại trà từ hơn 440.000 đồng lên thành hơn 500.000 đồng/tín chỉ với khóa tuyển sinh mới sắp tới. Với hệ chất lượng cao, mỗi tín chỉ sẽ tăng từ hơn 1,3 triệu đồng lên mức gần 1,5 triệu đồng, tăng 15%.
Trong đề án tuyển sinh ĐH năm nay, Học viện Tài chính cũng đưa ra mức học phí dự kiến năm học tới, với chương trình chuẩn là 22-24 triệu đồng, tăng 10-20% so với hiện tại. Học phí với chương trình chất lượng cao là 48-50 triệu đồng, tăng 1-5,3%.
Chưa thông báo mức học phí chính thức, Trường ĐH Lao động xã hội cho biết dựa trên học phí các năm học trước, năm nay dự kiến sinh viên sẽ đóng từ 6,8 triệu đồng tới 8 triệu đồng/ học kỳ, tăng 10% theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
Phạm Đoan Trang - học sinh lớp 12 Trường THPT Phủ Lý A (Hà Nam) cho rằng, việc tăng học phí có ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn trường của mình. “Em dự kiến đăng ký xét tuyển chuyên ngành kế toán. Còn việc chọn trường nào, ngoài phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT sắp tới, em còn cân nhắc về mức học phí các trường thông báo. Em không muốn bố mẹ phải lo lắng quá nhiều, vì còn 2 em nữa cũng đang đi học” - Trang cho biết.
Cần tiếp tục đầu tư cho đại học
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, việc các trường thông báo tăng học phí từ năm học này là điều tất yếu. Trong xu thế giá cả hàng năm đầu tăng, học phí ĐH cũng không thể đứng im mãi được. Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2021 và từ mùa tuyển sinh năm 2022 nhiều trường ĐH công lập cũng đã thông báo, thậm chí thu học phí theo mức tăng do nhà trường cân đối, không vượt quá mức học phí trần đã được quy định. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã yêu cầu không tăng học phí ở tất cả các bậc học, hàng loạt trường ĐH đã thông báo trả lại tiền học phí chênh lệch cho sinh viên do đã thu theo mức mới. Điều này khiến người học thở phào nhẹ nhõm, nhưng về phía các trường lại nảy sinh những khó khăn là không tránh khỏi bởi khi chuyển sang cơ chế tự chủ, các trường không còn nhận được nhiều khoản đầu tư từ ngân sách.
“Các trường tăng học phí thực chất là câu chuyện sớm hay muộn. Vấn đề là tăng bao nhiêu và khi tăng học phí thì có tăng chất lượng đào tạo, tăng đầu tư cơ sở vật chất… hay không? Việc này đã được đề cập nhiều lần, đòi hỏi trách nhiệm quản lý, giám sát của Bộ GDĐT và các cơ quan quản lý khác trong quá trình thực hiện” - ông Khuyến nhấn mạnh.
Hiện nay học phí là một trong 3 nguồn thu lớn nhất đối với các trường công lập cùng với ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác (chuyển giao công nghệ, hợp tác ...). Tuy nhiên, để gánh nặng học phí không dồn tất cả lên vai người học, bên cạnh sự chủ động tìm kiếm, gia tăng nguồn thu từ các dự án hợp tác, chuyển giao công nghệ của nhà trường, còn cần đến sự đầu tư phù hợp từ nhà nước.
Tại buổi Lễ công bố Quyết định chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc cần thiết và cần phải được tiếp tục đầu tư lớn khi trường ĐH, ĐH thực hiện tự chủ. Đây là sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, toàn diện. Đơn cử như với tầm quan trọng của khối ngành công nghệ, kỹ thuật, Bộ GDĐT xác định việc ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển khối ngành này. Trong đó, nhấn mạnh ưu tiên đầu tư về điều kiện hạ tầng, như hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để ĐH có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.