Bệnh tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi những diễn tiến âm thầm. Triệu chứng tăng huyết áp thường chỉ thoáng qua nhưng lại ngầm hủy hoại các cơ quan trong cơ thể.
Tăng huyết áp, hay nhiều người gọi là cao huyết áp, là một bệnh lý phổ biến khi áp lực máu tác động lên thành mạch quá cao. Nếu mức huyết áp này tăng cao trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, thậm chí là biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Cao huyết áp là căn nguyên chủ yếu gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận khiến cho hàng trăm nghìn người bị tàn phế hoặc mất đi khả năng lao động mỗi năm.
Tình trạng tăng huyết áp đang trở nên phổ biến và ngày càng gia tăng trên thế giới và ở Việt Nam. Tại Việt Nam, báo cáo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam ước tính cả nước hiện có 25% dân số đang có triệu chứng tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh. Cụ thể, có khoảng 51,6% người bệnh cao huyết áp nhưng không biết mình mắc bệnh; 38,9% bệnh nhân đã biết mình bị cao huyết áp nhưng chưa điều trị; 63,7% người bị tăng huyết áp được điều trị, nhưng chưa đạt được huyết áp mục tiêu dưới 140/90 mmHg.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Hoài - Viện trưởng Viện Tim Mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như suy tim, phù phổi cấp, bệnh lý động mạch vành (nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực ổn định), rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ, giãn động mạch chủ, đột quỵ não (nhồi máu não, xuất huyết não), xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, phình động mạch não... Các biến chứng của tăng huyết áp cũng có thể xuất hiện cấp tính diễn biến rất nhanh trong cơn tăng huyết áp cấp cứu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời như suy tim cấp, phù phổi cấp, lóc tách động mạch chủ. Do đó, tăng huyết áp nếu không được chẩn đoán và điều trị phù hợp sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyên gia khuyến cáo, mỗi người cần chủ động kiểm tra huyết áp của mình, không đợi đến khi có triệu chứng mới bắt đầu theo dõi. Nếu phát hiện huyết áp cao, việc phòng ngừa và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch. Bên cạnh đó, nhiều người sau khi điều trị ổn định huyết áp thường ngừng thuốc vì nghĩ rằng bệnh đã khỏi. Tuy nhiên, tăng huyết áp là bệnh phải điều trị suốt đời. Việc duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
ThS.BS Trịnh Hồng Sơn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khuyến cáo, muối là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp. Thói quen ăn mặn sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu của máu và áp lực trong lòng mạch, dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp nên giảm lượng tổng muối ăn trong khẩu phần không vượt quá 5 gam (tương đương 1 thìa cà phê) muối/ngày. Nên thay thế bằng các loại gia vị tự nhiên như hành, tỏi, chanh để tăng hương vị mà không cần đến muối. Trong khi đó, kali giúp trung hòa tác động của natri trong cơ thể, giúp điều chỉnh huyết áp hiệu quả. Các thực phẩm giàu kali bao gồm chuối, cam, khoai lang, rau bina, bắp cải xanh, đậu xanh và đu đủ. Trong đậu cũng chứa nhiều chất xơ, protein, nhiều kali và ít natri, giúp giảm lượng cholesterol trong máu, góp phần nâng cao sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt, có hàm lượng chất xơ cao, giúp giảm mỡ máu và tăng cường sức khỏe tim mạch. Các loại hạt tốt cho sức khỏe tim mạch gồm có hạt óc chó, hạt dẻ cười, hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng, quả phỉ. Các loại hạt giàu omega-3, chất xơ, vitamin E… vừa cải thiện sức khỏe tim mạch, vừa ngăn ngừa nguy cơ đau tim, đột quỵ.
Theo nhiều nghiên cứu, người thường xuyên ăn hạt sẽ giảm được 14% nguy cơ mắc bệnh tim. Chất béo lành mạnh trong hạt giúp giảm cholesterol xấu, kích thích hoạt động niêm mạc động mạch, giảm nguy cơ đau tim. Thông thường, các loại hạt sẽ được rang với muối trước khi sử dụng. Khi tự chế biến tại nhà, mỗi người cần lưu ý định lượng muối vừa phải, không dùng quá nhiều muối để tránh bị tăng nồng độ natri trong máu khi sử dụng. Người bệnh tăng huyết áp cũng nên hạn chế ăn ít đường, bánh kẹo ngọt, nên ăn chất bột đường từ các loại ngũ cốc và khoai củ. Người tăng huyết áp bị béo phì cần hạn chế lượng chất bột, đường hơn so với bình thường.