Chính phủ

Tăng lương cơ sở thêm 30%, bắt đầu thực hiện từ 1/7

Việt Thắng 20/06/2024 16:26

Chiều 20/6, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây sẽ báo cáo Quốc hội để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2024.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề mong đợi của xã hội hiện nay từ 1/7/2024 cải cách tiền lương như thế nào?

Theo bà Trà, sáng qua (19/6) Bộ Chính trị họp. Bộ Nội vụ đã báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã quyết định chủ trương vì cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, lớn, phức tạp, nhạy cảm, tác động đến trên 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế chính sách tới lương cơ sở. Cho nên phải thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng. Rõ đến đâu thực hiện đến đó, không nóng vội. Nếu không thận trọng thì rất khó khăn.

z5557190689379_cf12abd9a7a5aa1917600d6cffe2e19c.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thông tin với báo chí

Về vấn đề cải cách chính sách tiền lương đã có 21 cuộc họp để bàn và cân nhắc thận trọng. Nguyên tắc đầu tiên là đảm bảo sự hài hoà tương quan giữa các đối tượng, công bằng bình đẳng giữa các cơ quan đối tượng. Làm từng bước theo lộ trình, không nôn nóng, thận trọng, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện.

“Khi nói đến cải cách tiền lương thì phải tăng lương. Nếu cải cách mà không tăng lương thì không ý nghĩa nữa. Do đó phải bám sát theo Nghị quyết 27”-bà Trà bày tỏ.

Từ 1/7, với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động sẽ tăng 6% so với năm 2023. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ 1/7. Cụ thể, vùng 1-4 sẽ tăng lên 23.800-21.200-18.600-16.600 đồng/giờ.

Mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.

Còn cải cách tiền lương trong khu vực công thì thận trọng theo lộ trình, từng bước, chắc chắn, hiệu quảm an toàn để không gây xáo trộn tăng cho tất cả các đối tượng. Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ. Do phát sinh nhiều bất cập và cần phải thận trọng nghiên cứu từng bước nên việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương chưa đủ điều kiện thực hiện.

Bên cạnh đó, bố trí 10% Quỹ tiền thưởng bằng quỹ lương cơ bản để thưởng đột xuất tại cơ quan đơn vị. Đây là vấn đề mới và cân đối nguồn để thực hiện ngay. Còn 2 nội dung còn khó khăn là trả lương theo vị trí việc làm và vị trí lãnh đạo chưa thực hiện được. Do đó thống nhất tăng đều 30% trên cơ sở mức lương cơ sở hiện hành và tất cả đều được hưởng như nhau cả.

Bà Trà cũng nói thêm rằng, nếu bãi bỏ hệ thống lương cơ sở sẽ dẫn đến bất cập tương quan giữa đối tượng. Công chức tăng rất ít. Nhiều đối tượng không tăng, nhiều đối tượng thấp hơn so với bình thường. Ví như nhà giáo không còn phụ cấp thêm thâm niên, trong khi trước đây phụ cấp là 70% ở vùng khó khăn; rồi có đối tượng chỉ tăng 5-7%; có đối tượng không tăng và có người thấp hơn. Do đó đã quyết định chọn phương án tăng đều 30% trên cơ sở giữ mức lương cơ sở để tất cả ai cũng đều được hưởng tăng lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương cơ sở thêm 30%, bắt đầu thực hiện từ 1/7