TS Phạm Thị Ly đề xuất, trường công có nghĩa là nhà nước bao cấp, nên nhà nước ưu tiên số một cho đội ngũ, đảm bảo cho thầy cô có đời sống ngang bằng trong xã hội mà không phải làm thêm gì khác, còn những đầu tư khác về cơ sở trang thiết bị trường lớp thì chỉ ở mức tối thiểu thôi.
Ảnh minh họa.
Theo TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Chương trình nghiên cứu - Viện Đào tạo quốc tế (ĐHQG TP HCM): Thách thức trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT) có nhiều, trong đó thách thức về giáo viên (GV) rất là quan trọng. Chừng nào đời sống GV, thu nhập, đãi ngộ của GV chưa được cải thiện thì sẽ khó cải thiện được năng lực.
Thay đổi từ lương giáo viên
TS Phạm Thị Ly cho rằng: Trong vấn đề GV có hai vấn đề chính, một là năng lực phẩm chất của người thầy, hai là động lực làm việc của người thầy. Theo tôi vấn đề thứ hai quan trọng hơn vấn đề thứ nhất, quyết định cho vấn đề thứ nhất. Thực ra chúng ta nói nhiều về đời sống GV nhưng mà chưa bao giờ vấn đề này được giải quyết một cách quyết liệt cả. Và nhan đề đặt ra là tiền ở đâu để giải quyết vấn này?
Câu hỏi đó là một bài toán. Nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết bài toán đó bằng cách đa dạng hóa nguồn tài chính cho giáo dục. Thật ra các bậc cha mẹ cũng rất sẵn sàng. Nếu có điều kiện họ không tiếc tiền của cho con cái học hành, nếu họ tin là con cái họ đang được giáo dục để đạt được kết quả như họ mong đợi. Đặc biệt là người Việt rất coi trọng việc giáo dục con cái. Nếu chúng ta không thể hi vọng vào việc có thể bao cấp hoàn toàn cho giáo dục phổ thông, thì chúng ta có thể nghĩ tới hình thức xã hội hóa giáo dục.
Một khi các thầy cô không đủ sống bằng tiền lương thì rất khó đạt được mong muốn. Chúng ta không thể mong sự đổi mới nào về chất nếu không cải thiện được đời sống GV. Tiền lương không đủ sống thì GV sẽ làm thêm ở ngoài. Nhiều khi cũng tổn hại tư cách người thầy. Chương trình tổng thể không thể tách dời tài chính. Tiền lương GV là ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng chương trình.
Trước những băn khoăn đó, TS Ly đề xuất 3 hình thức là trường công, trường bán công và trường tư. Trường công có nghĩa là nhà nước bao cấp, trong trường này nhà nước nên ưu tiên số một cho đội ngũ, đảm bảo cho thầy cô có đời sống ngang bằng trong xã hội mà không phải làm thêm gì khác, còn những đầu tư khác về cơ sở trang thiết bị trường lớp thì nhà nước chỉ cần trang bị tối thiểu thôi.
Trong khi đó các trường bán công họ có thể thu học phí ở mức độ nào đó để bù đắp cho việc dạy và học. Ở trường tư, thì học phí sẽ là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Gia đình nào có điều kiện có thể cho con đi học trường tư và bán công, những nơi mà điều kiện vật chất tốt hơn cho con em họ.
Còn các gia đình điều kiện kém hơn có thể cho con đi học trường công, điều kiện vật chất có thể chưa tốt lắm nhưng đội ngũ GV được đào tạo có chất lượng. Chúng ta làm đa dạng hóa các nguồn tài chính giáo dục như vậy, cũng là một giải pháp để có thể nâng cao chất lượng.
Khó khăn lớn nhất là đổi mới phương pháp và cách dạy
Để đáp ứng được tốt trong CT GDPTTT thì GV cũng phải thay đổi rất nhiều, vì tư duy lối mòn. Làm thế nào để phát triển năng lực tự học của học sinh khi mà từ trước tới nay đã quen với lối truyền thụ? Nói về điều này, TS Phạm Thị Ly cho rằng: Các trường sư phạm có vai trò cực kỳ quan trọng. Các trường đó phải vào cuộc, phải đổi mới, tại vì thay đổi của chương trình lần này là thay đổi rất cơ bản. Từ xưa đến nay GV vẫn dạy theo lối nhồi nhét kiến thức và truyền giảng. Bây giờ chúng ta thay đổi bằng cách, GV không phải là người truyền giảng nữa mà là người tổ chức các hoạt độc để cho học sinh có thể phát triển năng lực. Và sự thay đổi đó vô cùng to lớn, chắc chắn là GV phải được đào tạo lại.
Tương tự, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch HĐGD Trường THPT Đinh Tiên Hoàng khẳng định: Quan trọng nhất luôn là đội ngũ GV, vì đó là những người tạo ra nhân cách của trò. Tuy nhiên, TS Lâm nhấn mạnh hơn ở vai trò hiệu trưởng. Chất lượng giáo dục là ở mỗi nhà trường, ở mỗi ông hiệu trưởng.
“Hiệu trưởng hiện nay phải đối mặt với việc xây dựng đội ngũ như thế nào? Hiện nay họ hoàn toàn trông chờ vào sự chỉ đạo ở cấp trên. Cái này các trường dân lập làm tốt hơn, vì phải quyết định thương hiệu nhà trường. Các ông hiệu trưởng hiện giờ chưa nhận thức được vai trò, thứ hai là không đánh giá được đội ngũ. Hiệu trưởng phải thấy được hạn chế của đội ngũ GV”.
Trước những băn khoăn lớn vè đội ngũ GV thực hiện chương trình mới, đại diện Ban soạn thảo chương trình, SGK, Bộ GD&ĐT cho biết: Cấu trúc CT GDPTTT, quan trọng nhất có mấy điểm: Hệ thống lĩnh vực các môn học ở cả ba cấp học; Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá như thế nào; Vấn đề một chương trình nhiều SGK, cách quản lý như thế nào để vừa đảm bảo dân chủ vừa đảm bảo yêu cầu đề ra…
Trong đổi mới căn bản, toàn diện này nếu chỉ đổi mới chương trình, SGK thì chưa được, mà vai trò của GV rất quan trọng. Sách hay, chương trình hay mà rơi vào ông thầy “mù” thì không được. Sách không hay nhưng rơi vào ông thầy giỏi cũng sẽ xử lý được. Bộ GD&ĐT đã ý thức được điều này, đã mời các trường sư phạm cùng thảo luận. Đồng thời Bộ yêu cầu các trường sư phạm tập trung cập nhật để đổi mới phương pháp đào tạo. Hiện nay các trường sư phạm cũng đã đi đến định dạng chương trình theo tinh thần mới, với tinh thần 70% các trường sư phạm giống nhau, còn 30% là nét riêng của các trường.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đã có phương hướng đổi mới bên cạnh đề án đổi mới SGK là đề án nâng cao chất lượng GV, đề án nâng cao cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo dục. Đây là 4 đề án đi kèm liên quan đến giáo dục phổ thông. Trước mắt Bộ sẽ bồi dưỡng trực tiếp cho các GV lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Một trong những hạn chế lớn nhất của giáo dục phổ thông là phương pháp, cách giảng dạy. Cái đó thay đổi là khó nhất.
“Cách dạy, phương pháp dạy, cách tiếp cận của chúng ta đang rất hạn chế. Lần này chúng ta sẽ cố gắng thay đổi. Về ý thức, về mặt tư tưởng thì như vậy nhưng còn thực hiện như thế nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố sau này” – Đại diện Ban soạn thảo chương trình, SGK chia sẻ.