Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng. Theo đó, Bộ đề xuất tăng lương hưu cho các nhóm đối tượng từ ngày 1/1/2022 với mức tăng 7,4%.
Theo Bộ LĐTB&XH nếu đề xuất trên được đồng ý, dự kiến tổng số kinh phí điều chỉnh khoảng 12.650 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước sẽ đầu tư và bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng. Với những người đã được điều chỉnh tăng nhưng lương vẫn dưới 2,5 triệu đồng/tháng, Bộ sẽ đề xuất bổ sung lên tối thiểu 250.000 đồng/người nhưng trường hợp hỗ trợ cao nhất cũng không vượt quá mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Chật vật mưu sinh
Sau 17 năm dạy học, bà Nguyễn Thị Minh, thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc phải nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe. Về hưu với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, để có thêm tiền trang trải cuộc sống bà chăn nuôi và mở cửa hàng tạp hóa bán. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc chăn nuôi, bán hàng không còn thuận lợi, gà, lợn nuôi đến lứa không xuất được, cửa hàng tạp hóa cũng chững lại không có khách vì liên tục thực hiện giãn cách.
“Sau 17 năm là giáo viên, giờ về hưu với số tiền 2,1 triệu đồng/tháng thực sự rất khó khăn. Dù ở quê chi tiêu không tốn như thành phố nhưng tôi bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường nên chi phí tiền thuốc đã gần hết lương. Con cái cũng khó khăn không thể hỗ trợ, giờ nếu không được tăng lương rất khó sống” – bà Minh chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội là y tá ở phường về hưu từ năm 2014, hiện có mức lương 4,6 triệu đồng/tháng, chồng bà Bình là giáo viên về hưu lương hơn 5 triệu đồng /tháng. Nhìn tổng mức lương hưu hai vợ chồng hàng tháng xấp xỉ 10 triệu đồng tưởng cao nhưng với mức chi phí sinh hoạt hiện nay tại Hà Nội thì chẳng thấm tháp gì. Nhất là từ khi ảnh hưởng của dịch bệnh, khiến giá thực phẩm ngày càng đắt đỏ, rồi tiền điện, tiền nước, tiền ga…Đấy là chưa kể chồng bà mắc bệnh dạ dày, hàng tháng tiền thuốc điều trị cũng ngốn không ít.
“Những người về hưu như chúng tôi, ngoài việc mong tăng lương ra thì không biết trông cậy vào đâu. Nếu không tăng, cuộc sống vốn đã eo hẹp sẽ càng thêm khốn khó” – bà Bình chia sẻ.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chính thức có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ tăng lương hưu từ ngày 1/1/2022. Đối tượng điều chỉnh gồm: Những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ 1/1/1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Về mức điều chỉnh, Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh chung cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng với mức 7,4%. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ điều chỉnh tiếp.
Cụ thể, tăng thêm 200.000 đồng/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống; tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
Việc làm cần thiết
Lý giải cho đề xuất trên, Bộ LĐTB&XH cho biết, vấn đề điều chỉnh lương hưu đã được nhắc tới nhiều ở nhiệm kỳ Quốc hội trước và Nghị quyết 34 của Quốc hội cũng đã đề cập tới vấn đề này. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện nay, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội tạm dừng vấn đề cải cách tiền lương. Tuy nhiên, trong đề xuất của Chính phủ với Quốc hội, nội dung điều chỉnh lương hưu vẫn được đề cập tới, đặc biệt là quan tâm tới những người nghỉ hưu trước năm 1995 và những người có lương hưu thấp.
Trước đó để đưa ra những đề xuất này, Bộ LĐTB&XH đã có nhiều phương án xin ý kiến chuyên gia, bộ, ngành và người dân. Đa số các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, hiện nay dù ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên việc tăng lương hưu là cần thiết. Bởi hiện đa phần người về hưu đều có mức lương thấp, trong số này nhiều người phải làm thêm mới đủ sống. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến họ mất việc làm, ảnh hưởng trầm trọng đến thu nhập và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, việc tăng lương hưu cho các nhóm đối tượng rất cần thiết. Bởi việc tăng lương sẽ góp phần cải thiện thêm điều kiện sống cho người nghỉ hưu. Trên thực tế, việc điều chỉnh lương hưu cũng hết sức bình thường, trong các quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo từng thời kỳ sẽ phải điều chỉnh tăng lương hưu.
Cũng theo ông Huân, hiện nay nguồn để tăng lương hưu bao gồm 2 nguồn. Trong đó, nguồn đối với người về hưu trước ngày 1/1/1995 sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả, còn những người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở lại đây thì sẽ do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu có thể không ảnh hưởng hoàn toàn đến ngân sách Nhà nước mà chỉ chiếm một phần. Trong khi việc tăng lương hưu sẽ giúp hàng triệu lao động cao tuổi ổn định cuộc sống, từ đó sẽ giảm gánh nặng trợ cấp đột xuất cho ngân sách Nhà nước.
Đa số các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, hiện nay dù ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến ngân sách Nhà nước gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên việc tăng lương hưu là cần thiết. Bởi hiện đa phần người về hưu đều có mức lương thấp, trong khi dịch Covid-19 khiến họ mất việc làm, ảnh hưởng trầm trọng đến thu nhập và đời sống sinh hoạt hàng ngày.