Xã hội

Tăng lương hưu, trợ cấp xã hội thêm 15%: Người thụ hưởng hài lòng

Lê Bảo 27/06/2024 15:47

Dự kiến người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng mức hưởng thêm 15% từ ngày 1/7 tới. Đây là năm mà mức lương hưu, trợ cấp xã hội được điều chỉnh tăng cao nhất.

anhtren(1).jpg
Việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dự kiến 15% thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu. Ảnh: L.H.

Mức tăng cao

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa trình Chính phủ đề xuất ban hành Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hàng tháng. Mức tăng dự kiến là 15%, áp dụng từ ngày 1/7 tới.

Căn cứ của việc điều chỉnh này là Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, quy định từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Lương cơ sở dự kiến sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng tăng 30%. Do đó, việc tăng lương hưu nhằm giảm tác động của việc điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện chính sách BHXH. Theo đó, Bộ LĐTBXH đề xuất lương hưu, trợ cấp BHXH tăng thêm 15%.

Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1/1/1995, sau khi điều chỉnh tăng thêm 15% theo mức điều chỉnh chung, mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì mức hưởng được điều chỉnh tăng thêm như sau: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng trở xuống; Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng, đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, đợt này sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và khoảng 300.000 người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối (nhóm này sẽ do ngân sách nhà nước chi trả).

Bộ LĐTBXH dự kiến, với các đề xuất điều chỉnh trên, kinh phí tăng thêm từ ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp là khoảng hơn 3.700 tỷ đồng. Quỹ BHXH cần hơn 12.500 tỷ đồng để thực hiện trong 6 tháng cuối năm nay. Tổng kinh phí dự kiến để chi trả trong nửa cuối năm nay là hơn 16.200 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh đồng bộ này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện những định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách BHXH.

Cần đảm bảo công bằng

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, người dân, đặc biệt là người cao tuổi hết sức phấn khởi. Về hưu đã gần 20 năm, ông Nguyễn Văn An (SN 1948, Hà Nội), công tác trong một cơ quan thuộc Chính phủ cho biết, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, và theo quan sát của ông thì mỗi kỳ điều chỉnh, mức tăng các các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều. Trước thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương hưu 15%, ông An cho rằng mức tăng 15% là hợp lý, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Còn theo chia sẻ của ông Trần Trung Thái (Bắc Giang), người đã về hưu từ năm 2011, không gặp khó khăn về tài chính nhưng điều ông băn khoăn nhất là cần đảm bảo sự công bằng cho những người về hưu trước và sau thời điểm 1/7/2024. Cũng theo ông Thái, việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu và đưa ra phương án triển khai kịp thời giúp tăng tính hấp dẫn, bền vững của chính sách.

"Mục đích của việc tham gia BHXH là để đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài, khi mỗi người hết tuổi lao động. Nhiều người lao động rút BHXH một lần là gánh nặng với việc đảm bảo an sinh xã hội sau này. Chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo người lao động không nên rút BHXH một lần để không bị mất nhiều quyền lợi" - ông Thái chia sẻ.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý. Thực tế theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng đạt mức trên 6% và chỉ số giá tiêu dùng là dưới 4%. Mức điều chỉnh tăng lương hưu 15% lần này cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay (từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu 23 lần).

“Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu” - ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá.

Theo BHXH Việt Nam, khi đề xuất được thông qua, đây sẽ là mức tăng lương hưu và trợ cấp BHXH cao nhất từ trước đến nay. Phạm vi áp dụng rất rộng lớn tới hơn 3,3 triệu người, bao gồm người đang hưởng lương hưu từ tham gia BHXH bắt buộc (khối nhà nước, tư nhân) và người tham gia BHXH tự nguyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương hưu, trợ cấp xã hội thêm 15%: Người thụ hưởng hài lòng