Ngày 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nhiều ý kiến đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc cắt điện, nước là một trong những biện pháp ngăn chặn trong xử lý vi phạm hành chính.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại tổ, ngày 10/6. (Ảnh: Quang Vinh).
Tăng mức phạt tiền
Dự thảo luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”.
Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Thẩm tra vấn đề này, nhiều thành viên trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm tán thành với loại ý kiến thứ hai. Theo đó, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.
ĐB Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang), Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính là phù hợp. Bởi nếu coi đây là xử phạt hành chính thì cần phải rà soát, xem lại bởi điện, nước là hợp đồng dân sự. Cho nên chỉ nên coi đây là biện pháp ngăn chặn. Cùng chung quan điểm, ĐB Trần Thị Vĩnh Nghi (đoàn Cần Thơ) nhìn nhận: “Đây là luật liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Cho nên cần phải chi tiết và nên quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, không nên coi đây là xử lý hành chính vì sẽ “đụng” với Bộ luật Dân sự”.
Nhấn mạnh việc “rất cần kiên quyết xử lý đối với các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, tránh tình trạng 1 người làm được, cả làng cũng làm được”, ĐB Đỗ Tiến Sĩ (đoàn Hưng Yên) cho rằng: Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính là hợp lý. Vì trong thực tiễn có việc vi phạm trật tự xây dựng nhưng mỗi lần ngắt điện, nước là có ý kiến đơn thư. Do đó nếu quy định vấn đề cắt điện, nước tại luật này sẽ là căn cứ, làm cho điều hành của chính quyền tăng hiệu lực hiệu quả hơn. Bởi thực tiễn cho thấy vi phạm hành chính là vấn đề diễn ra phổ thông và thường xuyên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính cần tăng mức phạt tiền để làm nghiêm, có hiệu quả, “chứ hành vi khiếm nhã trong thang máy mà chỉ bị phạt 200 nghìn đồng người dân họ nói lắm”. Theo Chủ tịch Quốc hội, phạt phải nghiêm như Nghị định 100 vừa rồi. Khi Nghị định 100 ban hành, khi cầm lái nhiều người đã ý thức được rằng không được uống rượu, bia. “Lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng phạt phải căn cứ dựa vào mức sống, thu nhập của người dân. Dân thu nhập thấp mà phạt cao thì lấy tiền đâu mà nộp phạt? Nhưng cần phải nhìn nhận rằng nếu không có tiền thì đừng vi phạm. Phải có ý thức, và như vậy mới đủ sức răn đe. Tránh trường hợp vi phạm xong bỏ xe cũ luôn”.
Sắp tới, vi phạm trong sử dụng điện có thể sẽ bị cắt điện.
Không đồng ý đề xuất nghỉ 5 ngày dịp 2/9
Trao đổi với báo chí xung quanh việc dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất của Tổng cục Du lịch về việc cho nghỉ 5 ngày dịp 2/9, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc bố trí nghỉ 5 ngày liền như vậy phải cân nhắc rất kỹ, tính toán rất nhiều chiều, đánh giá tác động đầy đủ và toàn diện.
Theo Bộ trưởng, dịp 2-9 rơi vào giữa tuần, khoảng cách giữa tuần đó với các ngày nghỉ quá xa, nên việc hoán đổi hay nghỉ bù rất bất hợp lý. Thứ hai, là thời gian vừa qua chúng ta thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng chống dịch rất dài. Người lao động và học sinh đều phải nghỉ rất dài. Đây là thời điểm chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch nhưng phải tập trung rất cao để phục hồi sản xuất, khôi phục thị trường lao động. Muốn như vậy, phải tập trung rất cao để phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Do vậy, thời điểm này phải ưu tiên tối đa cho việc phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế để rút ngắn những ảnh hưởng khi phải thực hiện giãn cách xã hội.
Vẫn theo Bộ trưởng, chúng ta có khoảng 55 triệu lao động. Theo Bộ luật Lao động hiện hành và các quy định pháp luật thì việc nghỉ bù hay giãn cách, hay hoán đổi ở khu vực doanh nghiệp do doanh nghiệp. Nói cách khác là do chủ sử dụng lao động xem xét quyết định. Còn khu vực công chức, viên chức và người lao động, Chính phủ, với tư cách là người sử dụng lao động, sẽ xem xét quyết định. Như vậy, nếu như chúng ta có quyết định, thì số lượng cũng chỉ khoảng 2 triệu người. So với 55 triệu người thì rất nhỏ, nên tác động cũng không quá lớn cho phát triển du lịch.
Bộ trưởng LĐTBXH cũng cho rằng từ ngày 3 đến ngày 5/9 thông thường có ngày khai trường, nên nếu nghỉ từ ngày 2 đến hết ngày 5 thì học sinh cũng khó được nghỉ, vì các em vẫn phải khai trường. Như vậy, khó có thể ông bố bà mẹ đi du lịch để con ở nhà đến trường. Dịp này là để bố mẹ chăm lo cho con cái, chuẩn bị cho trẻ đến trường, tạo ra ngày hội học sinh đến trường.
“Với những lý do rất căn bản như vậy, thì quan điểm của Bộ LĐTBXH là không tán thành đề xuất này”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Nhiều ĐBQH đã đồng tình về vấn đề này.
Trong buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ (đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội); Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải- Trưởng ban Dân nguyện (đã được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về những nội dung nêu trên.