Tăng mức phạt với hành vi 'ngoại tình'

H.Lê 20/07/2020 13:16

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... Theo đó, với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng (mức phạt hiện hành theo Nghị định 110/2013/NĐ-CP là từ 1 đến 3 triệu đồng).

Cụ thể, theo Nghị định 82 phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

Ngoài ra, Nghị định quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn;

Cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn; lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình; lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Đánh giá về mức phạt với hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, luật sư Nguyễn Hoàng Trang, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, mức phạt như hiện hành tại Nghị định 110/2013 và Nghị định 67/2015 là quá nhẹ, chính vì vậy tăng mức phạt ở Nghị định 82/2020 là cần thiết. Tuy nhiên việc xử phạt không dễ bởi phải có bằng chứng.

Thực tế, tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Theo đó, quy định người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

"Có thể thấy quy định pháp luật về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng khá đầy đủ, tuy nhiên để xử lý hình sự cũng như phạt hành chính không dễ, vì các chứng cứ chứng minh về hành vi bị xem là “chung sống như vợ chồng với người khác” là rất khó. Hơn nữa khi xảy ra mâu thuẫn rất ít người chọn giải pháp nhờ pháp luật can thiệp, chính vì vậy dù đã có hành lang pháp lý khá chi tiết nhưng khi xảy ra mâu thuẫn đa phần vẫn chọn giải pháp “tự xử lý”.

Và có không ít người đã phải trả giá ngược vì hành vi đánh ghen của mình. Vì vậy bên cạnh việc tăng chế tài, theo tôi giải pháp quan trọng chúng ta cần tập trung vào việc tuyên truyền lối sống văn hóa, đời sống lành mạnh đến từng gia đình, người dân. Đồng thời tuyên truyền để mỗi người dân nắm rõ về quy định pháp luật về chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”, luật sư Nguyễn Hoàng Trang cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng mức phạt với hành vi 'ngoại tình'