Tăng phí vỉa hè

Lê Anh Đức 17/11/2017 09:35

Việc mới đây Hà Nội đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè lên gấp 3 lần đang gây xôn xao dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, những lý do mà Hà Nội đưa ra để tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè lên đến 3 lần... là chưa thuyết phục.

UBMTTQ TP Hà Nội cũng đã mở hội nghị phản biện về vấn đề này, rằng mức phí tăng như vậy là quá cao, sẽ vượt quá điều kiện chi trả của doanh nghiệp và người dân.

Lòng đường, vỉa hè sinh ra là để phục vụ mục đích giao thông, dành cho các phương tiện và người đi bộ, chứ không phải là nơi để kinh doanh và tận thu nhằm bù đắp ngân sách.

Trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm trông giữ xe như một sự khuyến khích người dùng.

Đương nhiên, hầu hết các ý kiến đưa ra đều ủng hộ các giải pháp quản lý đô thị, trong đó có việc lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè.

Điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng và UBND TP Hà Nội cần phải làm tốt chức năng quản lý nhà nước của mình để lòng đường, vỉa hè không còn bị ngang nhiên lấn chiếm như hiện nay.

Người ta chưa thấy rõ tính thuyết phục trong văn bản đề xuất tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè của UBND TP Hà Nội bởi nhiều lý do, trong đó nổi lên là công tác quản lý trật tự đô thị còn yếu kém.

Lâu nay nhiều tuyến phố bị người dân và doanh nghiệp lấn chiếm để kinh doanh mà không hề bị các cơ quan chức năng của thành phố “hỏi thăm” và xóa bỏ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng chỉ ra, mỗi quán bia, chỗ trông giữ xe... đều có người đứng “chống lưng”!

Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành của thành phố trước hết cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, giữ cho lòng đường, vỉa hè được thông thoáng để vừa đảm bảo trật tự đô thị, mỹ quan thành phố, vừa để đảm bảo an toàn giao thông, chứ không phải là nghĩ mọi cách để kinh doanh vỉa hè.

Lẽ ra, chính UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng phải là nơi đầu tiên đề xuất bỏ việc cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dành đường cho các phương tiện và người đi bộ lưu thông được dễ dàng, tránh cảnh ùn tắc quanh năm như hiện nay.

Khi thành phố thực sự không cho thuê lòng đường, vỉa hè để kinh doanh thì không những sẽ giảm được vấn nạn ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn dễ dàng quản lý trật tự đô thị, tạo cảnh quan đẹp, đường thông hè thoáng, từ đó mới thuyết phục người dân không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, đồng thời có thể làm nghiêm với người cố tình vi phạm.

Còn như hiện nay, chỗ “có phép” chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh và chỗ tự phát lấn chiếm lẫn vào nhau khiến người dân không biết đâu để giám sát.

Khi mà người dân không giám sát được thì việc các cán bộ có chức có quyền bảo kê, dung dưỡng cho việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là chuyện khó tránh khỏi.

Trong vấn đề vỉa hè, lòng đường thì vai trò giám sát của người dân cần phải được đặc biệt coi trọng. Như ông Vũ Thành Vĩnh, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBMTTQ TP Hà Nội cho rằng cần phải tăng cường tính giám sát của MTTQ: “Chúng ta thấy rất phiền lòng về trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc, trong đó có tình trạng để xe ở lòng đường và vỉa hè.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết là một biện pháp tích cực, cần thiết, khẩn trương để tổ chức thực hiện” Nghị quyết 04 của HĐND TP về tăng cường quản lý các phương tiện giao thông đường bộ nhằm chống ùn tắc”.

Xung quanh vấn đề tăng phí ông Vĩnh cũng cho rằng, cần phải tăng cường quản lý, rà soát, tránh tình trạng tự ý tăng phí.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội khẳng định lý do mà UBND TP Hà Nội đưa ra không thuyết phục.

Ông Nghiêm cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân thành phố có cả một đề án đã được thông qua thì lý do gì còn phải “viện” ra để tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè.

TS Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt vấn đề: UBND TP Hà Nội luôn nói muốn hướng đến hạn chế xe cá nhân, song trên nhiều tuyến phố trung tâm vẫn có những điểm trông giữ xe như một sự khuyến khích người dùng. Khi mà tiền vé trông xe không phải là vấn đề, luôn có chỗ gửi xe thì lý do gì người ta phải hạn chế xe cá nhân đây?

Thực tế ai cũng mà chẳng biết hầu hết những người đi ô tô đều là những gia đình “có điều kiện”, thì họ có xá gì việc trả gấp 3 lần vé trông giữ xe ô tô.

Còn với những người kinh doanh thì việc tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè có là gì khi họ đâu phải trả mà tất tần tật đều tính vào giá thành và đã có khách hàng là người dân gánh chịu.

Rõ ràng các lý do mà Hà Nội đưa ra để tăng phí sử dụng lòng đường, vỉa hè chưa rõ ràng, minh bạch, thiếu sức thuyết phục dư luận, cần phải được xem xét một cách thấu đáo, tránh phát sinh những hệ lụy đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng phí vỉa hè