Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và Quốc hội đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, dự báo phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã dành cho Báo Đại Đoàn Kết cuộc trao đổi về vấn đề này.
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việc ban hành, triển khai chương trình là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong hoàn cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp, bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch Covid-19, chương trình đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế.
Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế nước ta. Cụ thể, năm 2022, tăng trưởng kinh tế đạt 8,02%; năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài và trong nước, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%, mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, những vẫn là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới và khu vực.
Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Vậy theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực và thuận lợi, đâu là khó khăn?
-Năm 2024, dự báo nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đan xen với thuận lợi, thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Về thuận lợi, thời cơ, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm đổi mới; nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, doanh nghiệp lớn toàn cầu ghi nhận, đánh giá cao, năng lực quản trị xã hội không ngừng được nâng lên. Đây là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thách mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh.
Các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tiếp tục được nâng lên. Nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 1.900km đường cao tốc, trong đó riêng năm 2023 là 475km đường cao tốc, các tuyến đường ven biển, liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Qua đó, mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng tới “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam. Thách thức đối với liên kết vùng sẽ còn phức tạp nếu không sớm xác định và triển khai các biện pháp đặc thù nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng ngành và từng địa phương. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay như: du lịch, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Trong bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế chúng ta phải làm gì, thưa Bộ trưởng?
-Thời gian tới chúng ta phải ứng phó, thích ứng kịp thời, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới, tận dụng cơ hội, thời cơ để phát triển bứt phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, tạo đà phục hồi tăng trưởng nhanh, bền vững và thực hiện thắng lợi và toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như; bên cạnh đó nâng cao chất lượng dự báo, triển khai linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành để ứng phó với tình hình phát sinh, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tranh thủ cơ hội, thời cơ từ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, nhất là với các nền kinh tế lớn nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển các ngành, lĩnh vực mới về kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn; đầu tư cho các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, có tính động lực, kết nối, liên vùng.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!