Văn hóa

Tăng sức hấp dẫn của du lịch ẩm thực

Phạm Sỹ 03/08/2024 08:49

Sức hấp dẫn của ẩm thực ngày càng được khẳng định trong phát triển du lịch. Khái niệm “du lịch ẩm thực” cũng đã được đề cập nhiều hơn trong các tour thưởng thức, khám phá ẩm thực. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm đến tiếp tục nóng, khi thời gian gần đây xảy ra một số vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể tại các điểm đến du lịch...

anh-cv.jpg
Du khách thưởng thức bánh xèo tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Phạm Sỹ.

Việt Nam sở hữu nền ẩm thực phong phú, đa dạng. Nhiều tạp chí, chuyên trang du lịch ẩm thực nổi tiếng thế giới đã dành những lời khen cho các món ngon của Việt Nam. Năm 2023, TasteAtlas - trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới đã xếp Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong các nền ẩm thực của châu Á; xếp thứ 20 nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới. TasteAtlas cũng đưa ra 5 món ăn tiêu biểu nhất của Việt Nam, gồm bánh mỳ, phở, chả giò, bò kho, bún bò Huế…

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp các trải nghiệm khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng tại điểm đến gắn với các món ăn, đồ uống; quan tâm chia sẻ với du khách về không gian ăn hay văn hóa ứng xử trong khi ăn theo truyền thống văn hóa của người Việt Nam, từ đó nâng hành trình khám phá du lịch ẩm thực lên một tầm cao mới.

Liên tiếp các vụ nghi ngộ độc thực phẩm

Nền ẩm thực phong phú chính là “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của du khách mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch, của chính quyền địa phương. Bởi lẽ, không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội.

Mới đây, ngày 27/7, tại Mũi Né, TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm khiến 48 khách du lịch phải nhập viện. Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, trước đó, Công ty Hòn Gai Tour có tổ chức cho đoàn khách gồm 182 người đi du lịch và lưu trú tại Resort Sailing Bay Mũi Né từ trưa 26 - 28/7/2024.

Sau đó, đoàn ăn tối ngày 26/7 tại nhà hàng Cánh Buồm Vàng. Sáng 27/7, đoàn ăn sáng lúc 6 giờ 30 (buffet) tại Resort Sailing Bay Mũi Né với số lượng 182 người. Ăn trưa ngày 27/7 với số lượng 176 người vào lúc 11 giờ 30 cũng tại Resort Sailing Bay Mũi Né. Đến chiều ngày 27/7, ca nhập viện đầu tiên tại Bệnh viện An Phước với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, nôn ói. Sau đó, nhiều ca nhập viện với các triệu chứng tương tự.

Trước đó, vào tháng 5/2024, cũng trên địa bàn TP Phan Thiết, Bình Thuận đã xảy ra vụ việc hơn 50 người trong đoàn khách 750 người lưu trú tại phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm sau khi dùng cơm tại một nhà hàng. Rất may sau thời gian ngắn được điều trị, các bệnh nhân đều đã phục hồi và xuất viện.

Tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 3/2024 cũng xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà Trâm Anh khiến hàng trăm người phải nhập viện.

Mặc dù một vài sự việc nêu trên không xảy ra trường hợp nghiêm trọng nào nhưng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là khi đang trong mùa cao điểm du lịch.

Theo ông Tưởng Hữu Lộc - Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (AIT), ẩm thực làm tăng sức hấp dẫn của du lịch. Tuy nhiên, một điểm đến mà có vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến lòng tin của du khách, đến sự phát triển du lịch của chính địa phương đó.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour Lê Công Năng cho rằng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố cốt lõi trong duy trì và phát triển bền vững của mọi điểm đến du lịch. Khi nói đến du lịch, trải nghiệm ẩm thực không thể tách rời hành trình khám phá của du khách. Một bữa ăn ngon, sạch sẽ và an toàn giúp gia tăng sự hài lòng và ấn tượng tốt đẹp, từ đó tạo nên danh tiếng và sức hút cho điểm đến. Nếu dịch vụ ẩm thực không được đảm bảo vệ sinh và an toàn, sự cố ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra. Điều này không chỉ gây ra tổn thất lớn về mặt kinh tế mà còn làm suy giảm uy tín của điểm đến, ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lược phát triển du lịch bền vững.

anhbaitren.jpg
Việt Nam với nền ẩm thực phong phú và đa dạng, thu hút khách du lịch. Ảnh: T.Xuân.

An toàn để nâng tầm thương hiệu

Thời gian qua, sức hấp dẫn của ẩm thực đã được chú trọng nhiều hơn trong thiết kế và quảng bá các sản phẩm du lịch. Khái niệm “du lịch ẩm thực” cũng đã được đề cập nhiều hơn khi một số công ty bước đầu tổ chức các tour thưởng thức, khám phá ẩm thực. Tuy nhiên, đằng sau sự phong phú, hấp dẫn ấy vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm nếu các cơ quan chức năng, địa phương không thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý.

Phó Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Tưởng Hữu Lộc cho rằng, đối với các điểm du lịch càng nổi tiếng, đặc biệt những địa điểm thu hút du khách quốc thì cần phải rà soát chặt, phải đạt được những chứng chỉ về vệ sinh thực phẩm và phục vụ thì mới được đưa vào để phục vụ du khách. Ngoài nhà hàng, khách sạn, việc buôn bán hàng rong cũng phải được rà soát, kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm khi có vi phạm xảy ra.

“Việt Nam được coi là bếp ăn của thế giới, nếu quảng bá đồ ăn mà thiếu phương thức quản lý về tiêu chuẩn vệ sinh ATTP, không có kịch bản để xử lý khi xảy ra những rủi ro về an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ tạo ra hậu quả rất lớn” - ông Lộc nhấn mạnh.

Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng) nêu quan điểm, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về ATTP tới cả người dân, khách du lịch cũng như các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, những người chế biến thức ăn. Yêu cầu các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố phải có chứng nhận VSATTP, thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đảm đảm điều kiện ATTP. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, để cảnh báo kịp thời tới người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát. “Để đảm bảo ATTP khi đi du lịch, du khách cần chọn những nhà hàng, quán ăn có uy tín. Còn với các địa phương có điểm đến du lịch, phải tăng cường kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Cần có các chính sách và quy định rõ ràng, xử lý vi phạm nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe” - ông Quỳnh nói.

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đã xác định du lịch ẩm thực là dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Vì vậy, vấn đề ATTP càng cần phải được chú trọng hơn nữa. Có như vậy mới phát huy được hết tiềm năng, nâng tầm ẩm thực thành sản phẩm du lịch để cạnh tranh với thị trường quốc tế cũng như thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch WonderTour:

Tăng cường giám sát và quản lý an toàn thực phẩm

anhbox.jpg

Cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu cho nhân viên nhà hàng, quán ăn về quy trình vệ sinh ATTP; đồng thời, cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh ATTP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Đặc biệt, việc kiểm tra này cần được thực hiện định kỳ và không báo trước để đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh ATTP, chứ không phải làm hình thức, làm khi có đoàn kiểm tra. Cùng với đó, xây dựng và cập nhật các quy định quản lý về vệ sinh ATTP để phù hợp với chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế. Các quy định này cần được áp dụng nghiêm ngặt và có chế tài xử lý mạnh mẽ. Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn bằng cách cấp chứng chỉ, đồng thời quảng bá rộng rãi để du khách dễ dàng nhận biết và tin tưởng lựa chọn.

Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát và quản lý chất lượng thực phẩm cần phải được làm mạnh mẽ hơn nữa, như các hệ thống truy xuất nguồn gốc, cảm biến giám sát nhiệt độ bảo quản thực phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức hấp dẫn của du lịch ẩm thực