Kinh tế

Tăng sức hút để phát triển thị trường vốn

Thanh Giang 29/03/2025 07:20

Ngày 28/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.

Quy mô quỹ đầu tư rất khiêm tốn

Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin, năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam với tổng tổng vốn huy động đạt gần 930.000 tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm trước đó, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP, trong khi dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP.

bai tren
Nhiều doanh nghiệp cần sự tham gia của các quỹ đầu tư để phát triển mạnh và tăng tính cạnh tranh. Ảnh minh họa: Quang Vinh

Nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản giao dịch chứng khoán, với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng. Bên cạnh dòng vốn gián tiếp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đạt mức kỷ lục 25,4 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước.

Nói về thị trường vốn của Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán phải phát huy hơn nữa vai trò kênh dẫn vốn chủ lực trung và dài hạn. Hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 7,4 triệu tỷ đồng, tương đương 65% GDP năm 2024. Tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 48 tỷ USD, chiếm 16% vốn hóa thị trường. Cùng với sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán, ngành quỹ đầu tư tại Việt Nam không ngừng phát triển, thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng và quy mô. Hiện cả nước có 43 công ty quản lý quỹ với 123 quỹ đầu tư chứng khoán, tổng tài sản quản lý đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014.

Mặc dù quy mô quỹ đầu tư của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng theo ông Don Lam - Tổng giám đốc và cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital, so với các nước khác thì thị trường vốn của Việt Nam còn khiêm tốn và mức độ thâm nhập quỹ thấp. Với thị trường cổ phiếu, các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 3,5%, còn lại là dịch vụ đầu tư, nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư cá nhân. Tương tự, thị trường trái phiếu cũng chiếm hơn 83% là ngân hàng, bảo hiểm xã hội và nhà đầu tư cá nhân. Các quỹ được quản lý chuyên nghiệp chỉ chiếm 16,68%. Chỉ có 7% dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán, nhưng các nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế trong giao dịch thị trường hàng ngày, chiếm tới 85%. Trong khi con số này ở Mỹ chỉ chiếm 18%, Nhật Bản 23%, Malaysia 28% và Thái Lan 43%. Đặc biệt, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn ít và đang giảm dần. Không có các thương vụ IPO lớn từ 2019. Các nhà đầu tư nước ngoài viện dẫn cho lý do ít quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo ông Don Lam, nhiều doanh nghiệp Việt đang rất cần “bệ đỡ” từ quỹ đầu tư. Ông Don Lam dẫn chứng, năm 2007, VOF đã đầu tư 47 triệu USD vào Tập đoàn Hòa Phát như một khoản đầu tư cổ phần tư nhân để tài trợ cho việc xây dựng một khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng. Ông Don Lam nói thêm, 20 năm trước bánh Kinh Đô không thể cạnh tranh được với hàng hóa Thái Lan vì mẫu mã không đẹp. Nhưng khi được tiếp cận vốn để đầu tư về máy móc thì hiện nay sản phẩm của Kinh Đô đã cạnh tranh với nhiều sản phẩm ngoại rất tốt.

Còn nhiều dư địa phát triển

Bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 cần đạt trên 8% (phấn đấu 10% trong điều kiện thuận lợi), tạo đà để tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2026-2030, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2025 dự kiến khoảng 174 tỷ USD, trong đó đầu tư tư nhân chiếm 96 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 80 tỷ USD của năm 2024. Để đạt mục tiêu này, cấp thiết phải huy động tối đa và hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả trong và ngoài nước, để hỗ trợ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Ở góc nhìn của chuyên gia nước ngoài, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho hay, để bảo vệ những người dễ bị tổn thương từ thiên tai và hỗ trợ phát triển kinh tế, ước tính rằng Việt Nam sẽ cần đầu tư bổ sung khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD lũy kế đến năm 2040. Thế nhưng, làm thế nào để huy động đủ nguồn vốn tài trợ cho các khoản đầu tư lớn như vậy vẫn là một thách thức. Ông Shantanu Chakraborty cho rằng, ADB đã và đang tích cực hỗ trợ phát triển thị trường vốn tại Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến, dự án và quan hệ đối tác nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính và thúc đẩy cơ hội đầu tư, bao gồm tăng nguồn cung trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhận định, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, trong lĩnh vực quỹ đầu tư chứng khoán, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ chỉ chiếm 1,2% vốn hóa thị trường, còn tổng giá trị tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ chỉ tương đương 3,4% tổng tài sản của các tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, dù số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tăng lên, tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 0,5%. “Đặc biệt, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư chứng khoán chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Về hoạt động FDI, vẫn còn những vướng mắc trong thực thi liên quan đến đất đai, xây dựng, thuế hải quan, thủ tục hành chính và ngoại hối” - ông Thắng nhấn mạnh.

Nhằm thúc đẩy thị trường vốn phát triển mạnh trong thời gian tới, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Chính phủ đã đưa ra giải pháp quyết tâm tháo gỡ những điểm nghẽn này. Trong đó, khai thác tối đa nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm nay, tiến tới mức hai con số trong tương lai, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung huy động cả nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là thông qua quỹ đầu tư và vốn FDI.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức hút để phát triển thị trường vốn