Tăng thuế sẽ giảm sử dụng thuốc lá?

Lan Hương 23/09/2023 08:00

Theo thống kê, mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đây là con số đáng báo động, tuy nhiên tình trạng tiêu thụ thuốc lá ngày càng gia tăng, đặc biệt độ tuổi sử dụng thuốc lá ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Theo các chuyên gia tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Đây là những vấn đề được các đại biểu đặt ra tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm diễn ra tại Hải Phòng (ngày 20-22/9) do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.

Giá rẻ, dễ mua

Bà Nguyễn Thị Thu Hương (thành viên Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá (sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 bệnh).

WHO dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 70.000 người tử vong/năm (tăng 57,1%, gấp đôi so với năm 2023) nếu không có các biện pháp mạnh trong phòng, chống tác hại thuốc lá.

Thực tế dù đã có nhiều giải pháp, cơ chế nhằm giảm thiểu tình trạng hút thuốc lá đặc biệt hút thuốc lá ở giới trẻ, nơi công cộng tuy nhiên số người hút thuốc lá vẫn có xu hướng gia tăng đặc biệt là giới trẻ.

Khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường sức khỏe (CHERAD) vừa thực hiện về thói quen sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên tại Hà Nội cho thấy, có đến 21,3% học sinh đã từng hoặc đang sử dụng ít nhất một loại thuốc lá. Trong số đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử với 18,4% và ít phổ biến nhất là thuốc lá làm nóng với 4,5%. Đặc biệt, trong 30 ngày gần nhất, có 16,2% học sinh đang hút thuốc, đa số là sử dụng thuốc lá điện tử. Tỷ lệ hút trong 30 ngày với thuốc lá làm nóng chỉ ở mức 3,2%.

Nguyên nhân tỷ lệ sử dụng thuốc lá làm nóng thấp hơn rất nhiều so với thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, nghiên cứu đánh giá rằng, do các loại thuốc lá điện tử giá rẻ hơn so với thuốc lá làm nóng. Mặc dù kết quả khảo sát ở quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy tình trạng sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá mới trong giới trẻ ngày càng đáng báo động.

Đề cập đến tác hại của thuốc lá nói chung đối với sức khỏe, bà Hương cho biết, các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Theo bà Hương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu thụ thuốc lá ở Việt Nam lớn là do thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp.

Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 38,8%. Mức thuế thuốc lá còn rất thấp so với khuyến cáo của WHO là đánh thuế các sản phẩm thuốc lá chiếm 70 - 75% giá bán lẻ. “Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển” - bà Hương thông tin.

Tăng thuế giảm sức mua

Đồng tình với quan điểm cần phải tăng thuế với thuốc lá, bà Nguyễn Thị Kim Liên - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông, giáo dục sức khỏe (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh không lây nhiễm gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, gây tổn thất lớn về kinh tế, chính trị và xã hội, song hoàn toàn có thể phòng chống được.

Theo đó, riêng đối với thuốc lá thì các can thiệp tốt nhất bao gồm tăng thuế, cấm hút thuốc nơi công cộng và nơi làm việc; thông tin sức khỏe và cảnh báo về thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mại.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng cho rằng, ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. "Giá thuốc lá tại Việt Nam hiện vẫn rất rẻ so với nền kinh tế tương đồng khác, nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp trên thuốc lá quá thấp. Nhiều người nói với tôi hút thuốc thật là dễ dàng vì sẵn có trên thị trường, giá rẻ, ai cũng có thể mua để hút, trong khi nó gây tử vong cho một nửa số người sử dụng" - TS Angela nhấn mạnh, và cho rằng, thuế là công cụ mạnh nhất để giảm tiêu thụ các sản phẩm này. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong những năm vừa qua của Việt Nam có giảm nhưng chưa nhiều.

Cũng theo TS Angela Pratt, tăng thuế với sản phẩm không lành mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn mang lại lợi ích rất lớn, giúp đạt được 3 mục tiêu quan trọng bao gồm: giảm tỷ lệ tử vong, giảm bất công bằng và tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Tăng thuế thuốc lá cũng tác động nhiều nhất tới nhóm thu nhập thấp và giới trẻ, bởi đây là nhóm nhạy cảm với giá.

Nếu có thể tăng thuế để tăng giá bán sẽ ngăn ngừa được giới trẻ hút thuốc, từ đó ngăn được khả năng “tái hút” sau này. Nói cách khác, tăng thuế với thuốc lá giống như tiêm vaccine để giúp phòng, chống hút thuốc lá. WHO khuyến cáo, Chính phủ Việt Nam cân nhắc tăng thuế thuốc lá, bượu bia và đồ uống có cồn nhằm mục tiêu giảm sử dụng và có lợi cho sức khỏe của người dân.

Bên cạnh việc tăng thuế để giảm thiểu tác hại của thuốc lá, nhiều đại biểu cho rằng, thuốc lá đặc biệt là thuốc lá mới cần được quản lý theo quy định chặt chẽ như tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu, quy định về thu thuế, người bán, người mua cũng như quy định về nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển môi trường sức khỏe cho rằng, cần dùng hành lang pháp lý để can thiệp vào tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở giới trẻ. Việc quản lý này bao gồm chính sách về quảng cáo, mua bán, phân phối trực tuyến và trực tiếp. Khung pháp lý cần đi kèm với biện pháp xử phạt hợp lý, rõ ràng cho những trường hợp buôn bán sai đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng thuế sẽ giảm sử dụng thuốc lá?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO