Tỷ lệ người hút thuốc lá cao tại Việt Nam đang để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt sức khỏe, kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến các chính sách tài khóa vì sự phát triển bền vững, theo giới chuyên gia, tăng thuế thuốc lá là một giải pháp được khuyến nghị mạnh mẽ nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ, cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tại sao phải tăng thuế thuốc lá?
Theo các đại biểu tại buổi tập huấn "Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức ngày 23/4 tại Hà Nội, việc tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam thường bị phản đối với các lập luận như gây gánh nặng cho nhóm thu nhập thấp hoặc có thể làm gia tăng buôn lậu. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy những lo ngại này không hoàn toàn xác đáng. Do đó, việc phân tích vai trò của thuế thuốc lá trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế - xã hội là rất cần thiết.
Lý giải việc cần phải tăng thuế thuốc lá, bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại Thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, mức độ tăng thuế thuốc lá tại Việt Nam rất chậm, khoảng cách tăng thuế dài vì vậy việc tăng thuế có tác động nhưng rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó. Dẫn chứng bà Hải cho biết, từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Theo đó, tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 36%, thấp hơn nhiều so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59%, chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78.6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62.3%).
Mức thuế thấp dẫn đến giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước khu vực Tây Thái Bình Dương. Đáng chú ý, trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.
Cũng theo bà Hải, do giá thuốc lá rẻ dẫn đến tỷ lệ sử dụng thuốc lá còn cao, gánh nặng bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra đe dọa khả năng Việt Nam đạt được các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và y tế, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) liên quan đến sức khỏe.
“Cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là vô cùng cần thiết. Mức thuế cao được thực hiện càng sớm sẽ giúp cứu sống nhiều người, giảm tổn thất kinh tế, xã hội và con người”- bà Phan Thị Hải đề xuất.
Tăng thuế để giảm tiêu dùng
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Theo ông Phạm Văn Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần cải thiện sức khỏe của người lao động, qua đó tăng năng suất, giảm chi phí y tế, tạo điều kiện tăng chi cho giáo dục, gia tăng tiết kiệm để phục vụ cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh. Ngoài ra, các nguồn thu từ tăng thuế thuốc lá còn giúp bổ sung nguồn lực để Nhà nước có thể thực hiện các chương trình phát triển kinh tế bền vững, trong đó có giảm tỷ lệ hộ nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, theo bà Phan Thị Hải cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng, bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn. Đồng thời, tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Về mức thuế: cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao.
Đồng quan điểm, ông Đào Thế Sơn - chuyên gia Tổ chức Y tế cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là một phần của “thuế sức khỏe” - một công cụ tài khóa quan trọng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo ông Sơn, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ là tạo thêm nguồn thu cho ngân sách mà còn hướng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả, khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng các sản phẩm có hại.
Khi giá thuốc lá tăng do thuế cao hơn, người hút thuốc có xu hướng cắt giảm lượng tiêu thụ hoặc từ bỏ hoàn toàn. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật cho hệ thống y tế. Đồng thời, ngân sách thu được từ thuế thuốc lá có thể được đầu tư vào các chương trình y tế, giáo dục.
“Việt Nam cần mạnh dạn tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để có thể nâng cao chất lượng tăng trưởng và tăng trưởng bền vững nên tăng thuế từ mức 5.000 đồng/bao từ 2026 (thuế tuyệt đối) và tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030” - TS Đào Thế Sơn kiến nghị.