Sau một thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, không gian phố đi bộ đã sôi động trở lại với nhiều hoạt động thu hút du khách trong và ngoài nước. Dù vậy, câu hỏi: Vận hành sao cho hiệu quả những tuyến phố đi bộ vẫn cần phải được đặt ra khi trước đó, một số tuyến phố đi bộ đã bộc lộ những bất cập.
Sự trở lại sôi động
Hiện nay, Hà Nội đang có 4 tuyến phố đi bộ gồm không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian đi bộ khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm); không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); không gian đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Thông tin từ Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, từ khi mở cửa trở lại đến nay, đã có 864 buổi biểu diễn nghệ thuật được tổ chức tại các không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Nơi đây đã trở thành điểm đến cuối tuần hấp dẫn cũng như đóng vai trò lớn trong việc quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đối với quận Hoàn Kiếm, du lịch là kinh tế mũi nhọn do đó, với việc mở rộng không gian phố đi bộ để thu hút khách du lịch, giữ chân du khách trong việc lưu trú là một trong những biện pháp để kích cầu cho các hoạt động về thương mại du lịch…
“Việc tiếp tục mở rộng và phát triển không gian đi bộ và khu vực phụ cận đang bộc lộ tính hiệu quả cao. Chúng tôi cũng đang làm tốt công tác tuyên truyền để người dân đồng tình và ủng hộ, từ đó tạo nên những chuyển biến về trật tự đô thị, thay đổi mặt hàng kinh doanh sao cho phù hợp hơn với không gian đi bộ” - ông Quân nói.
Trong khi đó, sau hơn 4 tháng khai trương, tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã thu hút trên 25 vạn lượt khách, tạo không gian văn hóa cộng đồng hấp dẫn, điểm đến của nhiều người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần. Trung bình một tuần, tuyến phố thu hút từ 10.000 đến 15.000 lượt khách. Riêng trong tuần đầu mở cửa, phố này đã đón trên 35.000 lượt khách.
Để tạo sức hút cho tuyến phố đi bộ mới này, Ban quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động mới vào cuối tuần với nét đặc trưng của địa phương để tạo không gian vui chơi riêng biệt, hấp dẫn người dân và du khách.
Theo ông Nguyễn Đăng Thạo - Phó Trưởng ban Thường trực Ban quản lý tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Sơn Tây nói chung.
Với tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), sau 2 năm đi vào hoạt động, đã bộc lộ tính thiếu hiệu quả khi phát triển không đạt như kỳ vọng. Đây cũng là một trong những lý do để dư luận hoài nghi về tính khả thi cho việc đề xuất mở hàng loạt phố đi bộ tại Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ khi mở cửa trở lại (7/5/2022), phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã có nhiều đổi mới khi mang đến những hoạt động, chương trình hấp dẫn du khách. Hiện nay, tuyến phố này đã mở rộng, nâng cấp hiện đại hơn, mang đến trải nghiệm khác biệt cho du khách.
Phát huy nét riêng từng tuyến phố
Chủ trương của Hà Nội trong việc mở thêm những tuyến phố đi bộ đã tạo thêm các sinh hoạt văn hóa lành mạnh cho người dân. Việc mở rộng thêm các phố đi bộ chứng minh rằng mô hình phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm đã thành công và có thể được nhân rộng. Một số tỉnh, thành cũng hình thành phố đi bộ để tạo thêm hình thức sinh hoạt văn hóa mới cho người dân và dần hình thành nền kinh tế ban đêm chuyên nghiệp hơn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng ta cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi vận hành một tuyến phố đi bộ. Việc nghiên cứu này cần tính toán đến khả năng thu hút công chúng, đặc biệt là khách du lịch, thời gian, nội dung của các hoạt động, khả năng và lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh, tổ chức văn hóa nghệ thuật, tính hấp dẫn riêng của phố đi bộ mới.
“Trong giai đoạn hiện nay, người dân mong muốn có thêm những hình thức giải trí ban đêm. Vì vậy, đáp ứng nguyện vọng của người dân một cách phù hợp sẽ giúp cho việc hình thành các phố đi bộ trở nên hợp lý và khả thi hơn. Vấn đề ở đây là, chúng ta không thể bê nguyên xi 100% một mô hình phố đi bộ để áp dụng cho các trường hợp khác. Mỗi phố đi bộ cần có những đặc trưng, nét hấp dẫn riêng của mình” - ông Sơn nhấn mạnh.
Còn theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, các không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nên thiên về những hoạt động mang tính truyền thống, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) cần tổ chức nhiều hoạt động trẻ trung, sôi động để thu hút giới trẻ còn không gian đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây nên có nhiều hoạt động giới thiệu sản phẩm làng nghề và những hoạt động gắn với đời sống nhân dân địa phương.
Sở Du lịch Hà Nội đã có kế hoạch triển khai các hoạt động để tăng cường quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước. Mới đây, sự kiện “Ngày văn hóa Ninh Thuận” tại Hà Nội được tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm cũng đã thu hút được đông đảo người dân Thủ đô và đặc biệt là du khách nước ngoài. Tại đây, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh Ninh Thuận đã được giới thiệu và nhận được những đánh giá cao của du khách.