Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa tôm lớn nhất nước, cả về nuôi, chế biến và xuất khẩu, hiện diện tích nuôi tôm lên tới 600 nghìn ha. Đặc biệt, con tôm vẫn luôn là sản phẩm phát triển tương đối ổn định cả về giá cả và chất lượng. Hiện các địa phương đang đẩy mạnh nuôi tôm để đáp ứng nhu cầu về tôm nguyên liệu.
Đẩy mạnh phát triển tôm siêu thâm canh.
Tăng tốc…
Bộ NN&PTNT thống kê từ đầu năm đến nay các địa phương thả nuôi hơn 481.534ha tôm (chỉ bằng 84% so cùng kỳ); trong thời gian nắng nóng đã có hơn 15.950ha tôm bị thiệt hại, tăng gấp 3,3 lần so cùng kỳ. Trước tình hình thời tiết cực đoan, Tổng cục Thủy sản cũng khuyến cáo người dân nuôi rải vụ, thả giống mật độ thưa, áp dụng các quy trình tiên tiến nhằm hạn chế rủi ro; các địa phương theo dõi chặt diễn biến thời tiết và thường xuyên quan trắc môi trường để thông tin kịp thời cho người nuôi biết, phòng ngừa…
Cà Mau được xem là địa phương có diện tích nuôi tôm và sản lượng tôm chế biến lớn nhất cả nước cũng như khu vực ĐBSCL với diện tích nuôi trồng khoảng 280 nghìn ha. Hiện ở Cà Mau mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương. Điển hình như huyện Cái Nước, năm 2019 có gần 300 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 400 ha, đạt sản lượng hơn 1.300 tấn. Số ao tôm siêu thâm canh chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nhưng chiếm đến 5% sản lượng tôm của huyện. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp tăng sản lượng tôm của địa phương. Đây là loại hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, tỷ lệ nuôi thành công đạt 70 đến 80%, năng suất có thể đạt từ 40 đến 50 tấn/ha/vụ, mỗi năm có thể nuôi hai đến ba vụ.
Qua quan sát tình hình chuyển dịch, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát ở xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, cho biết, các nhà máy đang nâng giá thu mua nhằm dự trữ tôm để xuất khẩu khi thị trường hết dịch. Trong khi đó nguồn nguyên liệu hiện đang khan hiếm...
Mới đây trong cuộc họp đánh giá về tình hình hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã đề nghị các sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách thúc đẩy nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và quảng canh cải tiến.
Ông Nguyễn Tiến Hải cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đóng chân tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để thu mua tôm nguyên liệu, kích cầu thị trường.
Hiện các địa phương đang đẩy mạnh diện tích nuôi tôm nên tình hình dịch bệnh còn ít, tuy nhiên trong thời gian tới khi diện tích nuôi tăng cao, tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp một số nước như Trung Quốc xuất hiện bệnh mới do vi-rút DIV1 gây ra, có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Vì vậy các địa phương và người nuôi cần chủ động giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt nguồn thức ăn, vệ sinh và khử trùng kỹ khu vực nuôi tôm; áp dụng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh xâm nhập…
Thách thức và cơ hội
Hiện các nguồn cung chính của thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 hoành hành, đây lại là cơ hội để ngành tôm phát triển, tín hiệu vui khi báo cáo kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 4 vừa qua tiếp tục tăng 5,8%, đạt 244,2 triệu USD. Lũy kế 4 tháng năm 2020, XK tôm đạt 872,8 triệu USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng trong tháng 5/2020.
Cụ thể, trong tháng 4/2020, Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 4, Nhật Bản nhập khẩu tôm Việt Nam tăng 19%, đạt 48,6 triệu USD; xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ cũng tăng 14%, đạt hơn 43,2 triệu USD; thị trường Trung Quốc trong tháng 4 cũng nhập khẩu tôm đạt 39,2 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ…
Ông Chu Văn An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, cho biết những tháng đầu năm xuất khẩu gặp khó do dịch Covid-19, tuy nhiên khi dịch bệnh lắng dịu là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh tăng tốc. Hiện tại, Minh Phú vẫn duy trì hoạt động, chuẩn bị lượng hàng để đáp ứng nhu cầu khi các nước mở cửa nhập khẩu trở lại.
Mới đây trong cuộc làm việc với các địa phương vùng ĐBSCL về đẩy mạnh phát triển tôm cho vùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản…từ đây đến cuối năm cần tập trung quyết liệt vào việc nuôi trồng đảm bảo tổng diện tích đạt khoảng 730.000ha tôm, sản lượng 830.000 tấn. Bên cạnh đó, khai thác tốt các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và chú ý thị trường mới như Nga, Ba Lan; đồng thời quan tâm tốt hơn việc tiêu thụ sản phẩm tôm ở nội địa… Dù có nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm khoảng 3,5 tỉ USD năm 2020, tăng 2-3% so năm 2019.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, qua 2 mốc thời gian có diễn biến thời tiết bất thường như năm 2016 và năm 2020 hướng tới cần quy hoạch lại vùng sản xuất tôm hợp lý trong điều kiện thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm, đảm bảo nguyên liệu sạch; đầu tư cho khâu giống tốt; đẩy mạnh chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp chế biến với các hợp tác xã và người nuôi; khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học, nuôi hữu cơ, bền vững, tập trung nâng chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng cho nhiều thị trường khó tính, mang về giá trị cao.