Những ngày qua, cơ quan chức năng ở nhiều địa phương tiếp tục khởi tố nhiều vụ án hình sự liên quan đến Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS, hay Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 BLHS…
Ngày 7/8, Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) đã khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra ở thôn Hiền Tây, xã Quảng Lưu. Theo đó, một lái xe container dương tính với Sars-CoV-2, từ Bình Dương về địa phương nhưng không tuân thủ các quy định về khai báo y tế, cách ly y tế, khai báo lịch trình di chuyển thiếu trung thực, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khi đang trong thời hạn cách ly ở nhà.
Ngày 5/8, Công an huyện Thủ Thừa (Long An) đã khởi tố vụ án Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xảy ra tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa. Hai vợ chồng buôn bán cá, thường xuyên đi về từ TP HCM và chợ ở phường 2, TP Tân An, đã tránh né không khai báo y tế. Đã vậy khi địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng vợ chồng này vẫn tổ chức đám giỗ, dẫn đến lây bệnh cho nhiều người.
Cũng lại chuyện tổ chức nhậu nhẹt, làm lây bệnh cho người khác như trường hợp Đinh Ph. ở Hậu Giang. Ph. và gia đình thuê xe từ TP HCM về xã Thuận Hoà, huyện Long Mỹ. Mặc dù Ph. có khai báo y tế, xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2, nhưng khi địa phương ra quyết định cách ly y tế tại nhà, Ph. và gia đình vẫn tổ chức nhậu nhẹt, tiếp xúc với nhiều người trong gia đình và bên ngoài…
Trên đây cũng chỉ là vài vụ việc trong rất nhiều trường hợp thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, không tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, để làm lây lan dịch bệnh. Điều này cũng phản ánh một phần nguyên nhân, thực trạng, khi nhiều địa phương tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các lực lượng phòng, chống dịch đã rất vất vả, nhưng số ca nhiễm bệnh vẫn tăng.
Điều 295 BLHS, Khoản 1 quy định tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Tương tự Khoản 1, Điều 240 BLHS quy định phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm… Các khoản khác của 2 tội này còn có hình phạt nặng hơn.
Mặc dù chế tài pháp luật đã rất nghiêm khắc, mặc dù đã có nhiều bài học từ nhiều vụ án bị khởi tố, nhưng lạ thay vẫn còn rất nhiều người vi phạm. Phải chăng do các cơ quan pháp luật khi xử lý vẫn còn nhẹ tay, nên chưa đủ sức răn đe, để nhiều người vẫn tiếp tục nhởn nhơ, coi thường?