Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sáng tác như tổ chức trại sáng tác, trao giải thưởng nhằm khuyến khích đội ngũ nhà văn có thêm nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ bạn đọc... Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng thực tế vẫn còn những khoảng trống và thách thức trong việc khuyến khích phát triển văn học.
Bước chuyển mình sinh động
Trong nhiều năm qua, văn học nước nhà đã chuyển mình đầy sinh động và sâu sắc, bám sát hơi thở đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước. Không chỉ còn giới hạn trong sách in truyền thống, mà còn mở rộng ra các nền tảng số như ebook, mạng xã hội, hay thậm chí là văn học tương tác, truyện audio.
Các chủ đề cũng ngày càng đa dạng hơn, từ những đề tài truyền thống như lịch sử, gia đình, tình yêu đến những vấn đề xã hội hiện đại như bình đẳng giới, môi trường, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)... Tác giả trẻ cũng ngày càng nhiều và không ngần ngại thử nghiệm với lối viết mới, góc nhìn mới mang đến những tác phẩm cuốn hút người đọc.
Sự phát triển của AI, dữ liệu lớn và mạng xã hội cũng đang làm thay đổi cách viết, cách đọc và cách tiếp cận văn học. Hiện nhiều tác giả sử dụng công nghệ để sáng tạo nội dung, hoặc để tương tác với độc giả, tạo ra hình thức văn học mới như thơ tự động, truyện do AI viết, hay các “dự án văn học mở”.
Người đọc cũng tiếp cận tác phẩm theo nhiều cách hơn, cuốn hút, dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi. Ví như một bài thơ cũng có thể được trình bày qua một đoạn video TikTok, một câu chuyện có thể sống động hơn trên nền podcast, một tiểu thuyết có thể phát hành trên nền tảng Wattpad...
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động văn học ngày nay vẫn còn một số hạn chế, bất cập, nhất là trong tổ chức trại sáng tác và các cuộc thi văn học sử dụng ngân sách nhà nước do thiếu quy định cụ thể, thống nhất. Giải thưởng văn học cấp quốc gia chưa được thiết lập rõ ràng. Công tác quảng bá, phát triển văn học còn thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị. Việc dịch thuật văn học mất cân đối, nghiêng về nhập khẩu tác phẩm nước ngoài.
Ngoài ra, công nghệ ngày càng phát triển, văn học trên không gian mạng mở ra cơ hội lớn cho sự sáng tạo và tiếp cận, nhưng cũng ghi nhận mặt trái đáng lo ngại. Nhiều tác phẩm được đăng tải dễ dãi, không qua kiểm duyệt, dẫn đến việc xuất hiện tràn lan các nội dung lệch chuẩn, phản cảm, dung tục hoặc kích động bạo lực... Nhiều tác phẩm có nội dung lệch chuẩn, phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Cần coi văn học như một ngành công nghiệp văn hóa
Văn học thời kỳ hiện nay đang chuyển mình từ truyền thống sang hiện đại, từ giới hạn sang đa dạng. Nhiều ý kiến cho rằng, khi đời sống văn học thay đổi mạnh mẽ bởi sự phát triển của công nghệ, văn hóa đọc mới, và xu hướng toàn cầu hóa, thì hệ thống chính sách, quy định quản lý văn học, đặc biệt là trong hỗ trợ sáng tác, xuất bản, kiểm duyệt, bảo vệ tác quyền, cũng cần được điều chỉnh để phù hợp hơn.
Chẳng hạn vấn đề bảo vệ tác phẩm số, trong bối cảnh văn học số phát triển thì luật bản quyền cần được mở rộng để bảo vệ các tác phẩm online khỏi tình trạng sao chép, đạo văn. Hay như cần quy định rõ về quyền sở hữu trí tuệ với các tác phẩm do AI hỗ trợ sáng tạo, ai là tác giả hợp pháp, và quyền sử dụng được phân định ra sao?
Tại Hội thảo “Lấy ý kiến Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học” do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức, PGS.TS Tạ Quang Đông cho rằng, thực tế những năm qua, văn hóa nói chung và văn học nói riêng vẫn còn những khoảng trống và thách thức, như chưa có cơ chế tài trợ, đặt hàng sáng tác đủ mạnh để tạo điều kiện cho các nhà văn theo đuổi những đề tài lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Các trại sáng tác chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa tạo được nhiều tác phẩm có sức ảnh hưởng rộng rãi. Hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm văn học vẫn còn hạn chế, khiến nhiều tác phẩm hay chưa đến được đông đảo công chúng trong và ngoài nước…
Vì vậy, theo PGS.TS Tạ Quang Đông, việc ra đời Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học không chỉ là một chủ trương đúng đắn mà còn là một đòi hỏi cấp thiết trước những vận động mới của đời sống xã hội và sáng tạo văn học. Qua đó, tạo hành lang pháp lý trong thực thi các chính sách hỗ trợ sáng tác, xuất bản và phát hành cũng như bảo vệ tác quyền, giúp các nhà văn yên tâm sáng tác và thụ hưởng một cách xứng đáng những thành quả lao động sáng tạo của mình, góp phần nâng cao chất lượng sáng tác văn học cũng như nâng cao khả năng tiếp cận độc giả của các nhà văn, các tác phẩm văn học.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nội dung Nghị định phải hướng tới xây dựng hệ sinh thái văn học, gồm các hoạt động sáng tác, hỗ trợ sáng tác, quảng bá tác phẩm, kết nối với các ngành công nghiệp văn hóa khác; đồng thời chú ý đầu tư công nghệ cho hoạt động sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học.
Theo ông Sơn, cần xem xét văn học như một ngành công nghiệp văn hóa. Bởi không chỉ đóng góp cho ngành xuất bản, văn học còn là đầu vào cho các ngành điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, múa…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng, để thực sự khuyến khích văn học phát triển, cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà văn sáng tác, phổ biến tác phẩm. Việc tổ chức giải thưởng văn học cấp quốc gia là cần thiết nhưng cũng cần chú ý để không trùng với một số giải thưởng khác. Đối với các cuộc thi viết, nên quy định rõ hơn về tiêu chí giám khảo, tránh tình trạng nhà thơ chấm tác phẩm văn xuôi.
Một số nhà nghiên cứu, nhà văn, đại diện đơn vị xuất bản cũng nhấn mạnh chủ trương xây dựng Nghị định quy định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết để thúc đẩy văn học Việt Nam phát triển bền vững, có nhiều tác phẩm giá trị. Tuy nhiên, nội dung các quy định cần chặt chẽ, thiết thực, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng trong nửa thế kỷ qua, những bước ngoặt lịch sử của đất nước đã tác động to lớn, sâu sắc vào sự phát triển của văn học Việt Nam. Văn học không chỉ phản ánh những gì đã xảy ra mà còn phải dự báo tương lai. Người viết cần đặt mình vào tâm thế của một kẻ đi tìm những giá trị mới, trong một thế giới biến động không ngừng.