Tạo cơ chế hành chính thực sự thông thoáng

H.Vũ 10/11/2021 06:00

Ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất.

Đảm bảo tốt nhất công tác phòng, chống dịch

Đại biểu Thái Thu Xương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang cho rằng, năm 2021 là năm có nhiều biến cố do dịch Covid-19 tái bùng phát với biến chủng mới phức tạp hơn, nguy hiểm hơn. Chính phủ cần xây dựng chương trình tổng thể công tác phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực cả về con người, vật chất, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng, chống dịch, nhất là khâu điều trị. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình của dịch bệnh để trục lợi. Cùng đó cần tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật, các chế độ chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài. Tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em và trẻ vị thành niên. Nên áp dụng chi trả cho y tế tư nhân như cơ sở điều trị công lập. Những chi phí khác phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và sự tự nguyện của người dân.

Còn theo đại biểu Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “chống dịch như chống giặc”, nhưng không phải cơ quan, đơn vị nào cũng ý thức được điều đó, nhất là trong trường hợp địa phương cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp “nước sôi, lửa bỏng” như phòng, chống dịch.

“Cụ thể có một lô hàng với hơn 22 nghìn lon sữa do đồng bào ở Úc ủng hộ trẻ em khó khăn trong đại dịch Covid-19 tại TP HCM. MTTQ thành phố đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm, Cục Thú y. Cục Thú y trong 2 ngày trả lời đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm lại nói “đề nghị TP HCM hỏi Chính phủ”. Thành phố gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời” - bà Châu dẫn chứng và đặt ra vấn đề: Vậy tại sao không tham mưu luôn một văn bản nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời? Lô hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được, vậy lỗi do ai?

Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM kiến nghị: Chính phủ điện tử, Chính phủ kiến tạo phải tạo ra một cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu kịp thời cho Chính phủ những việc cần thiết, không cần phải nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy, có lợi tốt nhất cho người dân.

Theo chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, từ ngày 10-12/11, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về các vấn đề: Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh), giải pháp về phát triển kinh tế số được đề cập nhiều trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Gói hỗ trợ chuyển đổi số cũng được Chính phủ đề xuất. Do đó, để thực hiện phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, vấn đề cốt lõi và quan trọng là ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bà Thơ cho rằng, một trong những nguồn nhân lực chất lượng cao mà thời gian qua dường như chúng ta đã bỏ sót, khai thác không hiệu quả, hay nói cách khác là bị chảy máu chất xám đó là các du học sinh nhận được học bổng từ các trường đại học nước ngoài. Nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc, được các tập đoàn, công ty nước ngoài trả lương cao, môi trường làm việc tốt.

“Vì vậy, để Việt Nam trở thành một nước hùng cường theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, triển khai thành công mục tiêu kinh tế số và chuyển đổi số cần thiết phải có chiến lược, chính sách rất mạnh mẽ từ việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước công tác, cống hiến”- bà Thơ nói.

Đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết khu vực

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), về cân đối thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 và các năm tiếp theo, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, điều tiết kịp thời đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không có hiệu quả, phấn đấu tăng doanh số thu ngân sách nhà nước thông qua các nguồn thu còn dư địa và từ thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới phát triển, đặc biệt là những địa phương có thị trường thương mại, dịch vụ bất động sản sôi động, có tăng trưởng.

Ông Tạo cũng cho rằng, việc quản lý và sử dụng tài sản công trong thời gian qua còn lãng phí rất lớn và phát sinh nhiều tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần có các chế định đủ mạnh, quản lý một cách chặt chẽ về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên rừng. Nhất là tình trạng quy hoạch treo vẫn còn tồn tại, phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong đời sống nhân dân và dư luận xã hội, làm kìm hãm sự phát triển đồng bộ và thiếu bền vững của đất nước.

Cơ sở pháp lý cho việc thu thập thông tin

Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV. Ngay trước ngày thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp thu, sớm hoàn thiện dự thảo. Sáng 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chủ trì hội thảo, lắng nghe ý kiến chuyên gia về các vấn đề thuộc phạm vi sửa đổi bổ sung.

Theo ông Trần Quốc Phương, việc thông qua dự án Luật này sẽ tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Điều này góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan của Đảng, Nhà nước; nhất là khi những thông tin thống kê phản ánh năng suất, hiệu quả tăng trưởng , phản ánh các nhóm yếu thế.

Đa số các đại biểu đều đồng tình với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Đồng thời hy vọng trong quá trình thực hiện sửa đổi sẽ chi tiết hóa để phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị.

Hồng Nhung

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo cơ chế hành chính thực sự thông thoáng