Sáng 21/4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã dẫn đầu đoàn Giám sát, kiểm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 tại Uỷ ban bầu cử xã Quang Trung, Uỷ ban bầu cử huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Cùng đi với đoàn có các Uỷ viên Trung ương Đảng Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Quang cảnh buổi làm việc.
Huyện Thống Nhất là một địa phương có hơn 80% đồng bào có đạo. Theo ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử huyện Thống Nhất, Uỷ ban bầu cử các cấp đã tiến hành thực hiện các bước chuẩn bị công tác bầu cử trên địa bàn đúng tiến độ và Luật định. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, ứng cử viên đại biểu HĐND cấp huyện là 61 người, trong đó nữ có 25 người, chiếm 40,9%, tôn giáo có 9 người, chiếm 14,75%. Ở cấp xã có 512 ứng cử viên, trong đó tỉ lệ nữ cũng chiếm khá cao 186 người.
Với 125. 828 cử tri, huyện Thống Nhất có 10 đơn vị bầu cử cấp huyện, cấp xã có 74 đơn vị và 80 khu vực bỏ phiếu. Cho đến nay, công tác lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri đã được hoàn thành, trình bày trang trọng ở những nơi nhân dân có thể theo dõi một cách thuận tiện.
Theo ông Trần Văn Chiến, cả hai cấp huyện xã đều thực hiện đúng cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND theo quy định. Nhân sự đại biểu phù hợp với quy hoạch cán bộ và phương án nhân sự đã được các cấp uỷ chuẩn bị khi tiến hành Đại hội Đảng.
Ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử
huyện Thống Nhất phát biểu tại buổi làm việc.
Công tác kiểm tra, giám sát tại nhiều địa phương cho thấy, việc thiếu kinh phí cho bầu cử hầu như tỉnh nào cũng gặp phải nhưng đối với huyện Thống Nhất thì việc này đã được chủ động giải quyết khi lên kế hoạch dự trù bổ sung kinh phí cho công tác bầu cử.
Có được thành quả này, theo ông Trần Văn Chiến là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Ban thường vụ huyện uỷ, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa HĐND- UBND- UBMTTQ trong việc triển khai thực hiện các bước chuẩn bị cho bầu cử. Đặc biệt UBMTTQ các cấp đã tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tham gia bầu cử của ngành, đơn vị mình. Cho đến thời điểm hiện tại, Uỷ ban bầu cử các cấp huyện Thống Nhất chưa nhận được đơn thư khiếu nại tố cáo.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác đã đến kiểm tra trực tiếp tại đơn vị bầu cử số 1 xã Quang Trung. Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Quang Trung, Chủ tịch UBBC xã Quang Trung cho biết, xã có 54 ứng cử viên, trong đó số đại biểu được bầu là 34. Quang Trung có 7 đơn vị bầu cử.
Tại tất cả các điểm bầu cử cho đến thời điểm này đã hoàn tất cơ bản công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử, đặc biệt việc niêm yết danh sách cử tri đã được thực hiện trang trọng, thuận tiện cho nhân dân theo dõi như đơn vị bầu cử số 1 tại ấp Lê Lợi 1, xã Quang Trung. Cử tri Trần Xuân Thu cho biết, ông cũng như nhiều người dân tại khu vực đều rất quan tâm đến sự kiện này. Danh sách đã được niêm yết trang trọng tại nhà văn hoá thôn, hàng ngày, nhiều người dân đã đến và tìm hiểu kỹ danh sách, cũng nhờ đó có những sai sót không đáng kể đã được dân kiến nghị sửa chữa, bổ sung kịp thời như một số hộ, một số cử tri đã chuyển đi, không sinh sống tại địa bàn.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội
phát biểu tại buổi làm việc.
Đây là lần thứ hai bầu cử Quốc hội và HĐND được làm cùng một lúc trong bối cảnh nhập hai Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND làm một nên khối lượng công việc vô cùng đồ sộ. Ghi nhận những nỗ lực của huyện Thống Nhất, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc Hội Lê Thị Nga cũng đặc biệt lưu ý một số vấn đề địa phương cần tiếp tục quan tâm như tình hình khiếu nại tố cáo nói chung trên địa bàn, trong đó có việc rà soát các vụ khiếu nại tố cáo nhân dịp bầu cử này có trở thành điểm nóng, rà soát tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên phải chính xác. Đặc biệt trong việc tổ chức vận động bầu cử phải đảm bảo công bằng, đồng thời cần tạo điều kiện để các ứng cử viên từ trung ương nắm rõ tình hình địa phương.
“Kinh nghiệm cho thấy, những ứng cử viên từ trung ương về ứng cử tại địa phương mà không nắm rõ tình hình, chắc chắn sẽ không trúng cử”, bà Lê Thị Nga khẳng định.
Liên quan đến việc 171 người bị tước quyền bầu cử, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu vấn đề, vậy con số tạm giữ, tạm giam của huyện được xếp vào loại nào trong cử tri? Trong bối cảnh, Luật mới, Luật cũ cũng khiến nhiều địa phương nhầm lẫn, ông Thông đưa ra ví dụ bầu cử tại các đơn vị lực lượng vũ trang, trong Luật cũ quy định Chỉ huy đơn vị lập danh sách cử tri, viết giấy cử tri và ký thẻ cử tri nhưng trong Luật mới, chỉ có Chủ tịch UBND xã ký thẻ cử tri, danh sách cử tri, huyện Thống Nhất cũng cần đặc biệt lưu tâm vấn đề này.
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội
phát biểu tại buổi làm việc.
Nhiều ý kiến trao đổi tại cuộc làm việc cũng đặt ra một số vấn đề mà huyện Thống Nhất cần phải đối mặt như việc lạm dụng chức vụ quyền hạn trong vận động và mua chuộc cử tri, việc đảm bảo an ninh trật tự và cách thức tổ chức vận động cử tri trong thời gian tới.
Trao đổi với đoàn công tác, ông Trần Văn Chiến cho biết, trong quá trình tổ chức bầu cử, huyện Thống Nhất đều thực hiện nghiêm các quy trình, công tác chuẩn bị cho bầu cử theo đúng quy định pháp luật.
Trong việc chuẩn bị cho các ứng cử viên vận động tranh cử, ông Trần Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất khẳng định, cả hệ thống chính trị đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế, tinh thần, tư tưởng cho các ứng cử viên vận động tranh cử. Các chương trình hành động yêu cầu phải thiết thực, nếu có thời gian có thể mời ứng cử viên mới để trao đổi kinh nghiệm, thực tế khi tiếp xúc với cử tri.
“Không ai dám lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác để sử dụng truyền thông, lấy tiền ngân sách để vận động tranh cử rồi hứa này, hứa kia”, ông Trần Văn Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt đề cao
công tác truyền thông huyện trong thời gian qua.
Đánh giá cao công tác chỉ đạo của tỉnh Đồng Nai đối với công tác bầu cử tại huyện Thống Nhất, xã Quang Trung, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt đề cao công tác truyền thông huyện trong thời gian qua đã có nhiều sáng tạo để người dân quan tâm tới công tác bầu cử.
Thống Nhất là một địa bàn có đông đồng bào công giáo nhưng đồng thời là huyện nông thôn mới, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều này thể hiện cho sự gắn bó đồng hành của đồng bào có đạo trong những việc chung của cộng đồng, địa phương.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới, việc tổ chức vận động tranh cử cho các ứng cử viên là nhiệm vụ hàng đầu, để tránh tình trạng ứng cử viên trung ương không có thông tin về địa phương, huyện cần trao đổi với các ứng cử viên từ trung ương, tạo điều kiện thu xếp cho các ứng cử viên được tiếp cận với các thông tin để hiểu thêm về địa phương.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
“Bầu cử là việc 5 năm mới làm một lần và lần này làm ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12. Cho nên tinh thần giám sát là phải nói thẳng, nói thật, nói chân tình để làm sao vừa phản ánh được việc đã làm đồng thời thấy được những khó khăn, vướng mắc để làm rõ trách nhiệm của xã, của huyện từ nay đến ngày toàn dân đi bầu cử” Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác sẽ làm việc với Uỷ ban bầu cử tỉnh Đồng Nai.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc sáng nay của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn Giám sát, kiểm tra của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai: