Trò chuyện

Tạo điều kiện phục dựng, quảng bá trang phục cổ

NAM PHONG (thực hiện) 27/11/2023 10:24

Nhằm đem đến cho công chúng cái nhìn toàn diện hơn về trang phục cổ, để từ đó có những đánh giá công tâm hơn đối với những trang phục được phục dựng và xuất hiện trên phim, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thưa ông, hiện nay nhiều bảo tàng tư nhân dành riêng để trưng bày các loại áo dài. Hay trong hệ thống bảo tàng công lập cũng trưng bày những mẫu trang phục truyền thống Việt Nam như áo dài của người Việt, long bào, phượng bào... Đây là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho việc nghiên cứu, phục dựng và ứng dụng vào các tác phẩm nghệ thuật như điện ảnh, sân khấu. Ông đánh giá như thế nào về việc những không gian trưng bày và cần phải làm sao để cho kho trưng bày thêm sinh động, để khán giả xem phim có sự đối chiếu giữa tạo hình trên phim và trang phục ngoài đời thực?

ts.-phan-thanh-hai-giam-doc-so-vh-tt-thua-thien-hue.-anh-nvcc(1).jpg
TS Phan Thanh Hải.

TS PHAN THANH HẢI: Hiện nay, ở Việt Nam chủ yếu vẫn là bảo tàng công lập, các bảo tàng tư nhân của các tổ chức, tập đoàn còn khá hạn chế. Trong hệ thống bảo tàng công lập, hệ thống sưu tầm về trang phục cũng khá ít. Ví dụ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng có tương đối nhiều trang phục, nhưng chủ yếu là trang phục các dân tộc. Còn lịch sử trang phục, ngay cả trang phục của người Việt cũng vô cùng thiếu thốn. Tôi nghĩ, đối với bảo tàng công lập, việc đầu tư để có không gian trưng bày là rất nên.

Tôi được biết, trong cộng đồng có nhiều người đang sở hữu những bộ sưu tầm trang phục rất quý giá, nhưng họ chưa có điều kiện để giới thiệu tới công chúng. Nên việc đưa những giá trị văn hóa ấy đến gần hơn với cộng đồng cũng không phải đơn giản. Ngay cả nhà nghiên cứu muốn tiếp cận cũng khó.

Vì thế, ngoài hệ thống bảo tàng công lập, cũng cần tạo điều kiện cho hệ thống bảo tàng ngoài công lập, để họ có thêm điều kiện, không gian trưng bày, giới thiệu. Từ kinh nghiệm thực tiễn của tôi tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi đã thực hiện một đề án hỗ trợ bảo tàng ngoài công lập, từ đó hình thành được 5 bảo tàng.

Đáng nói, có bảo tàng Gốm cổ Sông Hương của GS.TS Thái Kim Lan rất phong phú trong các bộ sưu tập, trong đó có cả hệ thống sưu tập trang phục cung đình. Việc làm này là rất hữu ích giúp cho cộng đồng có nhận thức đúng về trang phục cổ. Cùng với đó, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, những người làm nghệ thuật tiếp cận dễ hơn.

Bên cạnh việc đưa vào không gian bảo tàng để trưng bày, chắc hẳn ông cũng nhận thấy, những bộ trang phục cổ cũng cần được ra ngoài không gian ngoài trời, để trưng bày, triển lãm, thậm chí tuần hành, để công chúng có thể dễ dàng tiếp cận hơn, nhất là với những người chưa có cơ hội tới bảo tàng hay các không gian triển lãm trong nhà để chiêm ngưỡng?

- Nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện Áo dài Du lịch Hà Nội năm 2023 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức trong tháng 10 vừa qua, “Bách hoa bộ hành” lần đầu tiên thu hút được mấy trăm người mặc trang phục thời Nguyễn, chủ yếu là áo ngũ thân, áo nhật bình. Khi mặc những trang phục này và đi trên đường phố như vậy, sẽ tạo nên hình ảnh làm cho nhiều người dân Thủ đô, cùng du khách trong và ngoài nước tò mò. Dần dần người ta thấy được vẻ đẹp của trang phục truyền thống, để rồi tìm hiểu nhiều hơn và cảm thấy trân trọng hơn.

Tôi nghĩ các cơ quan văn hóa, du lịch cần có trách nhiệm từng bước, để cộng đồng nhận thức đúng được các loại hình trang phục truyền thống, giá trị của nó như thế nào trong đời sống.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho lớp trẻ hiện nay có thể nghiên cứu, phục dựng và sáng tạo những loại trang phục đã bị mai một. Như tôi có dịp từng tham gia hoạt động “Bách hoa khánh hội” của các bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội và “Tóc xanh vạt áo” của các bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TPHCM, thì thấy các bạn trẻ rất say mê, và dành nhiều tâm huyết cho trang phục cổ. Dù chưa đạt đến mức hoàn thiện, nhưng tôi đánh giá rất cao những thành quả phục dựng của các bạn.

Nhìn từ bài học của trang phục hanbok tại Hàn Quốc, nước bạn rất tạo điều kiện cho việc thiết kế, phục hồi và sáng tạo trang phục truyền thống. Họ xem đó là thế mạnh của công nghiệp văn hóa tại đất nước mình. Đây là hướng mà Việt Nam có thể tham khảo và học tập.

Gần đây trên nhiều bộ phim, trang phục truyền thống được đầu tư tỉ mỉ, chăm chút hơn. Ông có đánh giá như thế nào về những trang phục trong các bộ phim này?

- Với người làm nghệ thuật, đương nhiên cũng có cần sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng, nhất là những phim lịch sử lại càng cần được đầu tư bài bản. Bởi trong cộng đồng, không phải ai cũng có thể hiểu được điều đó. Tôi theo dõi trên mạng xã hội, và thấy nhiều bình luận chưa được tích cực về trang phục trong các bộ phim. Do đó, cần phải tạo ra quá trình thay đổi nhận thức của khán giả. Trong đó, điện ảnh đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, khi chiếu một bộ phim cũng nên có sự giải thích khéo léo cho công chúng hiểu được về trang phục sử dụng trong phim.

Như phim “Người vợ cuối cùng” rất đáng biểu dương, dù họ là hãng phim tư nhân, nhưng làm được việc đưa yếu tố văn hóa 3 miền vào như vậy rất là tốt. Tất nhiên, bộ phim cũng chưa phải quá hoàn thiện. Song, cần có sự khuyến khích, hỗ trợ, giúp đỡ những đơn vị như thế từ các cơ quan văn hóa, để hướng xã hội đến sự hiểu biết rộng rãi, hạn chế những tranh cãi không đáng có.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo điều kiện phục dựng, quảng bá trang phục cổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO