Sáng 19/3, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Tạo đòn bẩy thị trường vốn để các công ty công nghệ Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số” do báo Nhân Dân phối hợp cùng IDS (Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số) tổ chức.
Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nói, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, sau thời gian đầu ươm tạo, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước đều giữ vị trí then chốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Chính vì vậy, cuộc tọa đàm thảo luận về vai trò của thị trường vốn trong việc hỗ trợ sự phát triển và đổi mới cho các công ty công nghệ tại Việt Nam; thảo luận về các xu hướng hiện tại trong đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam và Đông Nam Á, cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Các quốc gia dẫn đầu về công nghệ như Hoa Kỳ, Trung Quốc hay Singapore đều sở hữu thị trường vốn phát triển, cho phép các start-up công nghệ huy động vốn công chúng thông qua chào bán công khai lần đầu (IPO), từ đó tạo ra những “kỳ lân” – các công ty định giá hơn 1 tỷ USD.
Tại Việt Nam, dù hệ sinh thái khởi nghiệp đã phát triển mạnh mẽ, số lượng “kỳ lân” vẫn còn hạn chế do những vướng mắc trong cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là việc khơi thông dòng vốn.
Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có 4 kỳ lân công nghệ được công nhận: VNG, MoMo, VNLife (VNPay) và Sky Mavis – đưa Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á, sau Singapore và Indonesia.
Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) nói, các doanh nghiệp start-up thường huy động vốn bằng mấy cách. Đơn giản nhất là tự bỏ tiền ra làm (bootstrapping) hay huy động tiền từ gia đình và bạn bè; tiếp đến là huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân dựa trên sự tin tưởng vào ý tưởng, giải pháp và sản phẩm của doanh nghiệp start-up, bỏ tiền (với điều kiện thường dễ hơn so với vay ngân hàng), kinh nghiệm, quan hệ vào doanh nghiệp ở giai đoạn đầu đổi lấy tỷ lệ sở hữu, quản lý doanh nghiệp, áp lực kỳ vọng lãi, triển vọng phát triển… rồi huy động vốn đầu tư mạo hiểm khi các nhà đầu tư tin vào tiềm năng tăng trưởng mạnh của doanh nghiệp start-up để đổi lấy cổ phần, sẵn sàng chịu rủi ro để có thể kiếm được lợi nhuận lớn nếu dự án khởi nghiệp thành công, nhưng lại gắn với việc đàm phán phức tạp, kéo dài...
Ngoài ra còn có các hình thức huy động khác như vườn ươm doanh nghiệp (incubator) song yêu cầu chặt chẽ, hạn chế về lĩnh vực.
Ông Trần Văn nhấn mạnh, tất cả các hình thức huy động đó cũng chỉ đáp ứng được một giai đoạn nhất định khi quy mô của doanh nghiệp start-up còn khá khiêm tốn. Trong quá trình phát triển, các start-up đều hướng đến việc huy động vốn từ công chúng (IPO) và coi đây là thước đo thành công và cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của start-up, trở thành một doanh nghiệp hoàn thiện đóng góp đầy đủ cho nền kinh tế-xã hội đất nước.
Thế nhưng, theo quy định của Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh 2 năm liên tục liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng IDS nói, với tiếp cận theo yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW là đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm" cũng như cần sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, có chương riêng về điều kiện cho các start-up công nghệ có thể huy động vốn trên thị trường.
" Cũng có thể là sửa đổi, bổ sung trong Luật Khoa học-Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Doanh nghiệp, hay quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về các trung tâm tài chính quốc tế, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tới đây… để có thể bao quát được các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp start-up công nghệ", ông Văn nói.
Do đó, IDS đề xuất một giải pháp có thể thực hiện ngay, đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để start-up công nghệ có thể IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giới chuyên gia cũng phân tích, cần có chính sách đột phá để các doanh nghiệp công nghệ có thể huy động vốn trong nước, bảo đảm thực hiện nhanh và hiệu quả Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Trước mắt có thể xem xét khả năng cho phép các doanh nghiệp công nghệ thực hiện IPO và niêm yết mà không bị ràng buộc bởi điều kiện “không lỗ lũy kế” ngay trên HOSE/HNX, hoặc thử nghiệm trong khuôn khổ Trung tâm Tài chính Quốc tế đang trong quá trình xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng Giám đốc SSI Asset Management nhận định, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường kinh doanh hấp dẫn giúp Việt Nam sẵn sàng đón đầu cơ hội mới. Để hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng tăng trưởng GDP, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả thị trường vốn.
“Việc IPO tại Việt Nam còn gặp vướng mắc do các quy định niêm yết hiện tại chưa linh hoạt, không phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo chưa có lợi nhuận cần tiếp cận vốn dễ dàng hơn để thúc đẩy tăng trưởng,” bà Nguyễn Ngọc Anh lưu ý.