Mặt trận

Tạo động lực để người nghèo vươn lên

Phượng Nguyễn (thực hiện) 04/03/2024 07:00

Trong những năm qua, công tác chăm lo Tết cho người nghèo được các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Nguyên quan tâm thực hiện, với tinh thần “không để ai không có Tết, không có ai bị bỏ lại phía sau”, tạo động lực để người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

bai-chinh(1).jpg
Ông Dương Văn Tiến - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công trên địa bàn huyện Định Hóa nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: N. Phượng.

Đó là chia sẻ của ông Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.

PV: Thái Nguyên hiện nay là một trong những tỉnh có kinh tế dẫn đầu khu vực trung du và miền núi phía Bắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo. Trong bối cảnh đó, công tác chăm lo cho người nghèo trên địa bàn có những thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Văn Tiến: Nhờ sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Thái Nguyên đã đạt được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 3,02%.

Mặc dù Thái Nguyên đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên một số huyện miền núi, vùng cao như Đồng Hỷ, Võ Nhai vẫn còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ giảm nghèo vẫn còn đặt ra nhiều thách thức. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, công tác chăm lo cho người nghèo cũng có những thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây xóa đói đi kèm với giảm nghèo thì nay công tác giảm nghèo cần kết hợp để giải quyết có hiệu quả mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; áp dụng chuyển đổi số trong giúp đỡ người nghèo… để hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc thực hiện chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” trong những năm qua của Thái Nguyên là một ví dụ điển hình.

Vậy, ông có thể cho biết một số hoạt động nổi bật chăm lo Tết cho người nghèo thông qua “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua?

- Thực hiện Chỉ thị số 26 ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn năm 2024, Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Thông báo số 2210 ngày 22/12/2023 về việc tổ chức thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” năm 2024. Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, trong đó chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành kế hoạch triển khai ở cấp huyện.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực; phối hợp, thống nhất giữa Ủy ban MTTQ các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội để công tác vận động, hỗ trợ đạt được hiệu quả cao; sử dụng nguồn lực vận động đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để xảy ra sai sót. Việc vận động diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, sinh động. Bên cạnh các hoạt động vận động truyền thống thì vận động qua mạng xã hội, áp dụng chuyển đổi số cũng phát huy tác dụng tích cực. Nhiều ngành, nhiều địa phương thông tin, tuyên truyền nhanh chóng qua mạng xã hội, kết hợp vận động trực tiếp, điều này đem lại hiệu quả cao.

Việc huy động và phối hợp các nguồn lực hỗ trợ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác, góp phần chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Kết thúc chương trình “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo”, toàn tỉnh đã vận động được gần 35 tỷ đồng, trong đó vận động được 20,3 tỷ đồng, còn lại là hiện vật. Từ nguồn kinh phí vận động được, các địa phương đã hỗ trợ, trao tặng quà cho tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo (19.706 hộ) với mức hỗ trợ 600.000 đồng/hộ nghèo, 500.000 đồng/hộ cận nghèo. Quá trình hỗ trợ được áp dụng chuyển đổi số thông qua tài khoản an sinh đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên tỉnh đã tham mưu, phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn để các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đi thăm, tặng quà tại các địa phương.

Thái Nguyên vẫn còn một số địa bàn gặp khó khăn. Công tác chăm lo Tết cho người nghèo tại những địa bàn này đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Đối với những địa phương vẫn còn khó khăn như huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, chúng tôi xác định kết hợp nguồn lực vận động tại chỗ với sự hỗ trợ của nguồn quỹ vận động được từ cấp tỉnh. Bên cạnh đó, cán bộ Mặt trận tại cơ sở cũng hết sức năng động, sáng tạo trong vận động. Năm 2023 là năm kinh tế còn khó khăn, bởi thế cán bộ Mặt trận phải tích cực đi sâu, đi sát các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân hơn. Huyện Đồng Hỷ dịp Tết này vận động được 1,34 tỷ đồng để tặng quà, chưa kể vận động để xây dựng nhà Đại đoàn kết; huyện Võ Nhai vận động được 1,06 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn hỗ trợ của tỉnh thì người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đón một cái Tết an vui trong tình cảm của cộng đồng.

Cũng nhờ thế mà không chỉ có quà Tết, nhiều hộ gia đình được tặng thêm lương thực, áo ấm, xe đạp,… và nhiều vật dụng gia đình khác. Công tác vận động giúp đỡ người nghèo có sự thay đổi về “chất” là như vậy. Tính trên toàn tỉnh, riêng đợt này việc hỗ trợ và đăng ký hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo đạt 80 nhà Đại đoàn kết; tặng 345 chiếc xe đạp cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng nhiều phần quà bằng hiện vật, nhu yếu phẩm, lương thực, quần áo ấm, hỗ trợ khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ học bổng cho học sinh, hỗ trợ xây dựng công trình dân sinh khác...

Ông có thể cho biết một số kinh nghiệm của Thái Nguyên trong công tác vận động tổ chức “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo” trong dịp Tết vừa qua?

- Trước hết, để thành công cần sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND và cấp ủy, chính quyền các cấp; quá trình thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban MTTQ các cấp với chính quyền, các tổ chức thành viên, đặc biệt huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm. Về phương thức vận động, cán bộ Mặt trận và đoàn thể các cấp vẫn cần nhất là sự nhiệt huyết, tận tâm, gắn bó với cơ sở, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch sát thực tế, đồng thời, thuyết phục được doanh nghiệp, nhà hảo tâm và nhân dân; ngoài ra, quá trình thực hiện cần tích cực ứng dụng chuyển đổi số, kết hợp giữa phương thức vận động truyền thống với vận động “từ xa” qua các nền tảng mạng xã hội; kết thúc Chương trình cần đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Điều đó sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo động lực để người nghèo vươn lên