Quý đầu tiên của năm 2017 đã khép lại với con số tăng trưởng kinh tế 5,1%, nhiều ngổn ngang chưa giải quyết xong như vấn đề nợ xấu, công nghiệp có những biểu hiện tụt dốc. Song ngược lại các nỗ lực trong điều hành kinh tế có những thành công nhất định về thu hút vốn ngoại, cải thiện năng lực cạnh tranh…
Doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất qua những tín hiệu tích cực từ thị trường.
Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố số liệu về tình hình kinh tế quý 1 của năm 2017 với những đặc điểm nội bật. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1-2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là con số thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Để góp phần hình thành nên con số này, hãy thử nhìn vào các chỉ số tăng trưởng ngành. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,52%, đóng góp 2,65 điểm phần trăm.
Tăng trưởng quý 1 năm nay cao hơn mức tăng của quý 1 các năm 2012-2014, nhưng thấp hơn so với mức tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Nhiều viện dẫn được đưa ra để lý giải tại sao tốc độ tăng trưởng GDP thụt lùi. Ngoài những khó khăn nội tại của nền kinh tế, và thông thường tăng trưởng quý 1 thấp nhất trong năm thì các tác động gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm có thể thấy, phần lớn đều là những nguyên nhân khách quan, do tình hình kinh tế thế giới. Cũng trong qúy 1, cả nước nhập siêu 1,9 tỷ USD. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Còn quá sớm để khẳng định các mục tiêu kinh tế của năm có đạt được hay không đạt được. Song nhìn vào các chỉ số kinh tế cũng thấy rằng, nền kinh tế không hề dậm chân tại chỗ mà có những biến chuyển nhất định. Các thời cơ, cơ hội về hội nhập, đổi mới đã được các thành phần kinh tế nắm bắt thành công.
Dấu hiệu đầu tiên về số lượng doanh nghiệp thành lập mới cho thấy, các chi phí gia nhập cũng như rút khỏi thị trường đã được giảm tải. Cả nước đã có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 3 tháng đầu năm nay là 9.271 doanh nghiệp, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2014. Số vốn đổ vào nền kinh tế thông qua vốn doanh nghiệp có tín hiệu đáng mừng.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đang hoạt động bổ sung vốn kinh doanh 325.400 tỷ đồng, giúp tổng vốn đưa vào nền kinh tế trong quý I -2017 là trên 596.000 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016.
Như vậy cộng đồng doanh nghiệp đã tin tưởng hơn vào các cơ hội kinh doanh. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp đã có phản hồi tích cực với Luật Doanh nghiệp 2014, khi nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục được rút gọn. Luật Doanh nghiệp 2014 đã lan tỏa, mang lại luồng sinh khí mới cho môi trường kinh doanh.
Cùng với số lượng doanh nghiệp thành lập nhiều, kinh tế vĩ mô ổn định đã hút luồng vốn từ các nhà đầu tư ngoại. Tính chung trong quý 1-2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 7.71 tỷ USD, tăng 77.6% so với cùng kỳ năm 2016. Uớc tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 3.62 tỷ USD, tăng 3.4% so với cùng kỳ năm 2016.
Có 493 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,917 tỷ USD, tăng 6.5% so với cùng kỳ năm 2016. Có 223 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,94 tỷ USD, tăng 206.4 % so với cùng kỳ năm 2016 và 1,077 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 852,86 triệu USD, tăng 171.5% so với cùng kỳ 2016.
Riêng trong quý I-2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhìn sâu hơn vào các chỉ số của nền kinh tế thấy rằng các điểm sáng tối đang xen kẽ lẫn nhau, nhưng điểm sáng đã bắt đầu lan tỏa. Những động thái đột phá cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng đã xuất hiện.
Các quyết tâm trong giảm nợ công, cải thiện môi trường kinh doanh đầu tư, không để nợ đọng thuế, không đơn thuần chỉ là lời nói mà đã đi vào hành động, được lên kế hoạch cụ thể.
Chính phủ Việt Nam cần tập trung vào các chủ trương tích cực như kiến tạo để các chương trình khởi nghiệp phát triển , đạt mục tiêu có hơn 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Ông Văn Đức Mười- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho rằng, sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ đã bắt đầu thấm vào bộ máy công quyền trong việc cải cách hành chính.
Những tiến bộ này đã hỗ trợ và giải phóng sức cho doanh nghiệp, giúp cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin mới, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, phong trào khởi nghiệp gần đây đã đóng góp sức trẻ, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Để tạo niềm tin, vẫn theo giới chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp để doanh nghiệp trong nước phục hồi, giảm thiểu tình trạng nền kinh tế tăng trưởng 2 tốc độ trong đó tốc độ khối doanh nghiệp FDI cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Còn quá sớm để khẳng định các mục tiêu kinh tế của năm có đạt được hay không đạt được. Song nhìn vào các chỉ số kinh tế cũng thấy rằng, nền kinh tế không hề dậm chân tại chỗ mà có những biến chuyển nhất định. Các thời cơ, cơ hội về hội nhập, đổi mới đã được các thành phần kinh tế nắm bắt thành công. |