Tạo lá chắn bảo vệ hàng Việt

Thanh Giang 22/07/2016 09:00

Trong khi các nước xem biện pháp phòng vệ thương mại là lá chắn bảo vệ hàng hóa nội địa thì Việt Nam lại có phần thờ ơ. Thực trạng đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới là mức độ hiểu biết, quan tâm của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại còn hết sức hạn hữu…Hiện chỉ có 1,89% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ vấn đề này.

Tạo lá chắn bảo vệ hàng Việt

Phòng vệ thương mại với mặt hàng thép vẫn chưa hết nóng.

Hàng Việt bị o ép ở nước ngoài

Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nhiều nước yêu cầu rất khắt khe về chất lượng hàng hóa, đồng thời tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật. Tính đến 1/1/2016, số lượng hàng các vụ điều tra PVTM đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ở nước ngoài hiện có 96 vụ, trong đó 72 vụ chống bán phá giá, 7 vụ chống trợ cấp và 17 vụ tự vệ. Tổng số vụ dẫn tới áp dụng các biện pháp PVTM là 53 vụ. Dự báo, sắp tới đây nhiều quốc gia còn sử dụng hàng rào liên quan phần mềm. Bất kỳ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu hàng hóa nào cũng phải sử dụng những phần mềm có bản quyền. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu trên, các nhà nhập khẩu sẽ từ chối ngay từ đầu.

Đơn cử, là thị trường tiềm năng với hàng loạt sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao cùng sản lượng nhiều song thị trường Hoa Kỳ lại đưa ra các quy định khá khắt khe. Đối với hàng dệt may, Hoa Kỳ yêu cầu không dùng lao động trẻ em. Hàng nội thất Việt Nam vào thị trường này phải đảm bảo nguyên liệu gỗ không ảnh hưởng đến môi trường, không phải là gỗ do chặt phá rừng, mức độ sử dụng hóa chất nằm trong giới hạn cho phép để không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng...

Riêng với cá da trơn - đây là mặt hàng thường xuyên bị áp thuế chống bán phá giá nhất, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng: “Rào cản thương mại ngày càng nhiều. Bộ Công thương cần nghiên cứu, vận động hàng lang cho bãi bỏ chương trình thanh tra cá da trơn ra Quốc hội. Còn trường hợp đưa ra Tổ chức Thương mại chắc chắn chúng ta sẽ thắng”.

Song song với rào cản thương mại, các nước còn áp dụng thuế chống bán phá giá. Nghĩa là, doanh nghiệp Việt Nam bán cá da trơn tại thị trường các nước chỉ với giá 1 USD/kg nhưng Bộ Thương mại của nhiều nước lại tính giá 1,50 USD/kg. Như vậy, vin vào mức giá của nước bản địa đưa ra cá da trơn Việt Nam bị đánh thuế, tùy mức. Không riêng thị trường Hoa Kỳ hay thị trường EU, nhiều nước cũng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

“Hiện chúng tôi đã giải quyết xong vấn đề chống bán phá giá tại thị trường Úc và đã xuất khẩu trở lại. Tôi đang lo ngại, đến năm 2018 - 2019 Hoa Kỳ cũng sẽ khởi kiện chống bán phá giá sản phẩm tôn thép của chúng tôi” - ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group lo ngại.

Tạo lá chắn bảo vệ hàng Việt - 1

Cá da trơn là mặt hàng thường xuyên bị áp thuế chống bán phá giá. (Ảnh: T.L).

Trong nước ngó lơ

Trong khi nhiều nước không ngừng tăng cường biện pháp PVTM thì Việt Nam có vẻ thờ ơ hơn. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông tin, tính đến thời điểm hiện nay, sau hơn 10 năm ban hành 3 pháp luật nêu trên, Việt Nam mới chỉ tiến hành điều tra và áp dụng 4 vụ việc tự vệ. Trong đó áp thuế tự vệ đối với 3 mặt hàng (dầu thực vật, bột ngọt, phôi thép và thép dài), 2 vụ việc chống bán phá giá, áp thuế 1 mặt hàng thép không gỉ cán nguội. Việt Nam còn rất nhiều mặt hàng được đề cập tiến hành biện pháp PVTM nhưng không thành hiện thực. Điển hình như mặt hàng: đùi gà, trứng gia cầm, dầu nành, giấy in, ống gang đúc, bột nhựa, tôn,…

Thông thường một vụ kiện tôm phải mất hơn 1 năm để cân nhắc vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao. Riêng vụ đùi gà, năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh làm việc ròng rã với Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ để hướng dẫn các thủ tục. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đầy đủ pháp lý để khởi kiện thì doanh nghiệp không đồng ý vì nhiều lý do, hiệp hội cũng không còn mặn mà.

Theo kết điều tra 1.000 doanh nghiệp về mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về PVTM ở Việt Nam đối với hàng hoá nước ngoài do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, chỉ có 1,89% doanh nghiệp tìm hiểu tương đối kỹ PVTM, có 15,9% DN không hiểu; 63,21% doanh nghiệp có nghe nói nhưng không hiểu biết gì sâu; 19,81% doanh nghiệp đã từng tìm hiểu sơ sơ. Đặc biệt, có đến 41% doanh nghiệp cho biết không thể đáp ứng được các yêu cầu để đi kiện PVTM.

Kết quả này cảnh một thực trạng đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với kinh tế thế giới. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, ngoài các nguyên nhân trên còn có 4 vấn đề như: năng lực tập hợp lực lượng, năng lực huy động nguồn lực, năng lực huy động nhân lực và năng lực tập hợp bằng chứng. Lý giải về sự không thành, ông Nguyễn Phương Nam thừa nhận, đây là một lĩnh vực rất mới và rất khó. Ngay cả Chính phủ cũng cân nhắc rất nhiều. Cơ quan quản lý phần trần, thực ra không phải Chính phủ không muốn xây dựng hàng rào thuế quan hay các biện pháp PVTM. Bởi vì Chính phủ vì không muốn dựng lại hàng rào thuế quan mà chúng ta mất thời gian đàm phán. Song song đó, Chính phủ muốn DN tự thay đổi mình để nâng cao tính cạnh tranh, tăng sức chiến đấu. Không ít ý kiến cho rằng, dù là láng giềng hay bạn bè cũng cần sự sòng phẳng trong cuộc chơi thương mại. Rất cần sự chuẩn bị về kiến thức cũng như pháp lý để doanh nghiệp Việt phản kháng nhằm tăng tính cạnh tranh trong sân chơi thương mại mới.

Mong muốn công tác PVTM sử dụng hiệu quả hơn, đại diện Trung tâm WTO và hội nhập nhấn mạnh, doanh nghiệp cần phải chủ động cập nhật thông tin về các nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời trang bị kiến thức hội nhập nhất là các biện pháp PVTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo lá chắn bảo vệ hàng Việt