Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm đứng lớp, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia giáo dục cho biết bà chưa bao giờ gặp trường hợp học trò vô lễ với giáo viên. Bà khẳng định quan điểm không bao giờ đối đầu với học sinh (HS).
PV: Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc HS vô lễ với GV, thầy trò đôi co với nhau ngay trong lớp học khiến cho hình ảnh của nhà giáo dục ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
TS Vũ Thu Hương: Có 3 lực lượng quan trọng trong việc giáo dục đạo đức một đứa trẻ là gia đình nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, xã hội liên tục đưa ra những ý kiến trái chiều làm giảm vị thế của GV trong mắt HS, việc này làm giảm cái uy của người thầy. Mất cái uy sẽ rất khó khăn trong việc giáo dục HS, đặc biệt là giáo dục đạo đức.
Những quan niệm hết sức sai lầm là không được phạt HS gây ra những áp lực này kia khiến cho nhà giáo mất đi vị thế và vũ khí để họ có thể sử dụng giáo dục HS. Đương nhiên không được đánh, mắng, có thể sử dụng các hình phạt phù hợp sẽ giúp ích cho việc giáo dục đạo đức cho HS. Hiện chúng ta đang lấy mất đi công cụ để nhà giáo có thể thực hiện được việc đó.
Gia đình cũng tác động rất nhiều, gây ra ảnh hưởng trầm trọng tới việc giáo dục đạo đức cho HS khi làm giảm uy thế của thầy cô trong mắt HS, thậm chí có những phụ huynh đối đầu với giáo viên. Chính vì điều này khiến cho đạo đức của HS xuống dốc nghiêm trọng. Đây là hệ quả có thể thấy từ trước.
Cá nhân tôi, trong hơn 20 năm đi dạy, chưa bao giờ gặp trường hợp học trò vô lễ với GV. Bởi trong quá trình dạy học, HS bao giờ cũng nhìn đối tượng để xem đối tượng nào thì có thể “chịu thua” trong quá trình giao lưu, học hỏi với nhau. Tôi chưa bao giờ đối đầu với HS và HS cũng hiểu rằng nếu đối đầu với người GV này thì chắc chắn các em sẽ “thua”. Các em có thể hiểu bằng nhiều cách khác nhau, không phải bằng những lời dọa nạt mà do kiến thức, kỹ năng, trình độ của GV vượt trội so với các em. Các em nhìn thấy những giá trị mình đem lại cho các em rất rõ ràng. Các em nhìn thấy những quyền lợi sẽ có thể lấy được khi ở gần mình thì chắc chắn các em sẽ không dám có những cách ứng xử quá thiếu lễ độ.
Khi học trò nể và tôn trọng GV vì kiến thức, kỹ năng, thái độ của người thầy thì sẽ hạn chế được những hành vi lệch chuẩn trong môi trường sư phạm, thưa bà?
- Đúng vậy. Tôi thường nói với HS rất rõ ràng là trong văn hóa Việt Nam, vẫn có những chuẩn mực đạo đức tôn trọng những người lớn tuổi. Với những thông điệp này, các em sẽ có những cách thức ứng xử phù hợp khi gặp mình. Thậm chí sinh viên của tôi không bao giờ dám đề cập đến vấn đề xin điểm hay chạy tiền với cô giáo. Dù tôi không bao giờ đả động tới vấn đề đó nhưng những thông điệp trong cách mình truyền tải bài học khiến cho các em hiểu.
Đây cũng là một kinh nghiệm để các giáo viên khi truyền đạt cho HS những thông điệp phải rất rõ ràng, tránh những thông điệp sai lầm khiến các em có thể hiểu nhầm. Ví dụ một khi chúng ta đã cương quyết việc này không được làm thì cho dù các em nịnh nọt hay van xin hay bất kể việc gì chắc chắn sẽ không. Các em sẽ hiểu không bao giờ lay chuyển được GV này và có sự kính nể đối với GV.
Vậy cách bà đang làm đó là tạo ra “hành lang pháp lý” để mỗi HS hiểu cần phải có cách ứng xử chuẩn mực thế nào với GV của mình?
- Không phải chỉ trong giáo dục HS mà tất cả mọi chuyện, GV và cả bố mẹ, khi dạy học trên lớp hay giáo dục trong gia đình, cần có những quy định rõ ràng về việc được, cấm, phải. Khi có được quy định rõ ràng thì các em sẽ có hành lang để ứng xử hết sức rõ ràng, không có những hành vi lệch chuẩn. Như vậy, việc giáo dục dễ dàng rất nhiều. Cụ thể, một khi đã là lệnh cấm thì không bao giờ được vi phạm. Nếu là được làm thì không bao giờ được can thiệp. Với những hành lang này, trẻ cũng sẽ có được những barem để điều chỉnh.
Trong trường hợp cụ thể học trò vô lễ với GV trong giờ học, trước sự chứng kiến của bạn bè trong lớp, theo bà người GV cần làm gì lúc nào?
- Trước hết bản thân thầy cô phải hiểu đây đang là cao trào của cảm xúc của các em, nên tránh đi trước khi xảy ra những sự việc căng thẳng hơn. Có thể yêu cầu các đồng nghiệp trợ giúp mình. Nên tránh đi đến khi cảm xúc của các em đi xuống, lúc đó chúng ta sẽ cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề. Không đôi co. Xử lý khi tất cả mọi người đều bình tĩnh chứ không phải trong trường hợp nóng vội. Tùy từng trường hợp mà chọn cách xử lý cho phù hợp. Nếu những em đó có biểu hiện hướng thiện, chẳng qua các em bị cao trào cảm xúc thì có thể nói chuyện nhẹ nhàng và giải thích rõ ràng để các em có thể hiểu được. Với những học sinh đã có thành tích bất hảo, những trường hợp đó chúng ta cần có sự hỗ trợ của hội đồng giáo viên, giáo viên chủ nhiệm và các tổ chức khác để cùng giáo dục HS.
Trân trọng cảm ơn bà!