Tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu

Anh Vũ 16/09/2023 07:00

Để cụ thể hóa nội dung Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị kinh tế của những loài dược liệu quý hiếm.

Việc phát triển cây dược liệu tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Khánh Ly.

Cách TP Lai Châu khoảng 60km, Sìn Hồ là vùng đất có khí hậu nhiệt đới mát mẻ quanh năm, thuận lợi để phát triển vùng dược liệu. Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm gần đây, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.

Thông qua thực hiện đề án về phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã tập trung hỗ trợ khôi phục một số vùng dược liệu và xác định đây là một trong những sản phẩm được đầu tư phát triển thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa đặc sản của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ Nguyễn Quốc Vương cho biết, cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng diện tích trồng dược liệu, huyện đã triển khai các chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trồng, chiết xuất, chế biến các loại thảo dược. Đến nay, toàn huyện có hơn 600ha dược liệu, các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao như đương quy, atisô, đỗ trọng, sâm cát cánh…

Ông Lê Quý Toàn - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Lai Châu cho biết, đến nay các Hợp tác xã dược liệu đã thu hút đông đảo thành viên là đồng bào dân tộc Mông, Dao, La Hủ… tại các bản tham gia vào các khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái. Điều này vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu, vừa bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ông Toàn cho biết thêm, để cụ thể hóa nội dung Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho bà con giống các loại cây dược liệu quý hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết.

Việc tập trung phát triển cây dược liệu được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao, góp phần giảm nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở vùng DTTS, vùng biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sinh kế bền vững từ cây dược liệu