Văn hóa

Tạo sức hút cho bảo tàng ảo

Minh Quân 21/11/2023 10:51

Trong những năm qua, việc tổ chức các triển lãm trực tuyến, bảo tàng ảo đang trở thành “cánh tay nối dài” trong việc lan tỏa tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, di vật, cổ vật đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, tại Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực còn mới mẻ, cần có sự thích ứng và thay đổi mạnh mẽ trong việc chuyển giao các công nghệ hiện đại.

anh1baichinh89.jpg
Bảo tàng Quảng Ninh đã sử dụng công nghệ 3D tạo không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Ảnh: Bảo tàng Quảng Ninh cung cấp.

Từ thực đến ảo

Sau một thời gian phải thích ứng với những ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mô hình triển lãm trực tuyến, bảo tàng ảo đang trở xu thế. Có thể kể Trung tâm lưu trữ quốc gia với hàng loạt triển lãm trực tuyến, 3D như Bình Ðịnh theo dòng lịch sử; Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy: Biểu tượng tự hào dân tộc Việt Nam; Báo chí Việt Nam trước năm 1945… Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến Virtual Art Exhibition Space - VAES với kiến trúc mô phỏng hình bông sen cách điệu. Đây là không gian trưng bày ảo đầu tiên của Việt Nam, cho phép bảo tàng và tác giả triển lãm các bộ sưu tập của mình theo cách giống như các phòng tranh vật lý hiện nay. Trước đó, từ năm 2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã ứng dụng công nghệ tham quan trực tuyến 3D Tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).

Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều bảo tàng trong nước cũng đã giới thiệu đến công chúng các triển lãm ảo, các phòng trưng bày trực tuyến dựa trên các bộ sưu tập sẵn có tại bảo tàng. Điển hình như: Tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu, trưng bày 3 chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam... Bảo tàng Quảng Ninh với phiên bản số hóa mang đến cho công chúng một không gian bằng công nghệ 3D, từ kiến trúc phía ngoài độc đáo tựa như “viên ngọc đen” bên bờ vịnh Hạ Long, cho đến những không gian ấn tượng bên trong: “khoang thuyền” chở lịch sử nhiều thời đại, hầm lò khai thác than dưới lòng đất, quần thể di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử… Cũng thông qua công nghệ, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh đã tái hiện về 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trong một container mô phỏng đặt ngoài trời. Cùng với công nghệ 3D, tại đây còn kết hợp cả các công nghệ ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh... góp phần bộc lộ tính chân thật của các nhà tù xưa…

Có thể thấy, các mô hình triển lãm trực tuyến, bảo tàng ảo đang có những bước “tăng tốc” mang lại không gian cho nghệ sĩ sáng tạo, đồng thời góp phần tạo thêm cơ hội cho công chúng quốc tế tìm hiểu nghệ thuật và văn hóa Việt Nam.

Dưới góc nhìn về mỹ thuật, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực mỹ thuật, đòi hỏi đầu tiên là làm thế nào xây dựng các thiết chế để có được thị trường mỹ thuật lành mạnh. “Tôi cho rằng bảo tàng ảo là bước khởi đầu, cùng với nó, hệ thống các sàn đấu giá, bảo tàng tư nhân... sẽ cùng nhau tạo nên một môi trường mỹ thuật hấp dẫn hơn với công chúng. Khi chúng ta làm tốt thì dần dần sẽ có nhiều nghệ sĩ tham gia hơn, sức lan tỏa rộng hơn. Đây là cơ hội và tôi kỳ vọng giữa nghệ sĩ và các công ty công nghệ sẽ kết có sự kết nối, để làm thế nào nâng cao giá trị nghệ thuật của các triển lãm ảo, bên cạnh đó, cách tiếp cận phải thuận tiện, gần gũi, dễ dàng với công chúng nói chung” – NSND Vương Duy Biên bày tỏ.

anh2baichinh.png
Tour tham quan 360 độ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ cung cấp.

Tạo đà tăng tốc

Có thể khẳng định, bảo tàng ảo hay triển lãm trực tuyến đang trở thành xu thế phát triển tất yếu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc mang được các tác phẩm, hiện vật thật lên không gian ảo đã và đang đối diện nhiều thách thức. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hoan, không phải bảo tàng nào cũng tối đa hóa việc ứng dụng công nghệ cho tất cả các nội dung, hiện vật mà cần phải lựa chọn loại hình và lĩnh vực công nghệ nào phù hợp thì mới khai thác và cần tập trung vào vai trò của công nghệ là làm tăng giá trị, hấp dẫn hiện vật gốc. Bên cạnh đó, để vận hành, khai thác trưng bày ứng dụng công nghệ hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực cũng như trình độ, hiểu biết của công chúng khi sử dụng công nghệ. Để có thể số hóa các dữ liệu, chuyển đổi số tại bảo tàng để phục vụ công chúng rất cần cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cùng với đó, muốn số hóa hệ thống tư liệu thì hệ thống lưu trữ phải đủ lớn để có thể lưu trữ một khối lượng lớn… Đây là thách thức lớn.

Không chỉ gặp khó trong việc “làm mới, làm đẹp” các hiện vật, tác phẩm thông qua công nghệ, mà việc đưa lên không gian ảo với các triển lãm bảo tàng hiện nay cũng đang phải những “rào cản” về một số vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bảo vệ dữ liệu... Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho rằng, để việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động triển lãm đạt hiệu quả, cần có các quy định pháp luật cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng; quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với bảo tàng thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa; quy định về bản quyền công nghệ, bản quyền hình ảnh hiện vật.

Giới chuyên gia nhận định, việc ứng dụng công nghệ vào công tác truyền thông hiện đại trên không gian mạng còn góp phần chuyển tải thông tin từ bảo tàng, di tích đến với du khách một cách nhanh nhất và góp phần lưu giữ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau. Công nghệ hiện đại giúp bảo tàng hình thành những giá trị mới cho các thiết chế di sản văn hóa thông qua các sản phẩm số, từ đó đem đến lợi ích kinh tế nhằm tái đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức hút cho bảo tàng ảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO