Tạo ‘sức nóng’ cho nhạc kịch

PHƯƠNG MAI 10/10/2023 07:16

Tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” dàn dựng theo phong cách nhạc kịch Broadway vừa được công diễn tại TPHCM đã “đốn tim” khán giả với sân khấu hiện đại, mới lạ, sống động nhiều kịch tính, và đặc biệt vở diễn mang đậm văn hóa Việt. Có thể thấy, thời gian qua các nhà hát tại Hà Nội và TPHCM đã đầu tư cho nhạc kịch thuần Việt, dù chưa tạo được sức nóng nhưng những người làm nghề đã không ngại “thử lửa” để đưa khán giả gần hơn với loại hình mới, mang lại không khí sáng tạo cho sân khấu.

Phân cảnh trong vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

Nhạc kịch chuyển mình

Vở nhạc kịch “Dế Mèn phiêu lưu ký” đã có những buổi công diễn khởi đầu đầy cảm xúc. Khán giả từ người lớn đến trẻ em đều bị cuốn vào vở diễn. Tác giả kịch bản, tổng đạo diễn vở nhạc kịch - NSƯT Tuyết Minh chia sẻ, chị có gần 1 năm để xây dựng ý tưởng, hình thành kết cấu hình hài của tác phẩm, đồng thời viết lời thoại cho các tuyến nhân vật, lời văn gợi ý cho các ca khúc sáng tác mới mang tính nhạc kịch hơn, xâu chuỗi được các phân cảnh, trường đoạn…

“Dế Mèn phiêu lưu ký” ứng dụng tối đa phong cách nhạc kịch Broadway, một loại hình sân khấu hấp dẫn nhất trên thế giới, kết hợp những chất liệu khác nhau của nhạc pop, rock, âm nhạc dân gian Việt Nam, nhạc cổ điển với nghệ thuật thị giác của sân khấu. Vũ đạo lộng lẫy từ chất liệu dân gian dân tộc Việt bay bổng trên nền tảng cổ điển châu Âu sang trọng. Âm nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cho hợp xướng và các giọng hát solo cùng với diễn xuất sinh động, kỹ thuật chuyên môn cao của các nghệ sĩ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho khán giả.

Điều đó minh chứng nếu nhạc kịch được dàn dựng công phu, đúng thị hiếu thì sẽ thu hút khán giả. “Nhạc kịch là một loại hình vô cùng hấp dẫn người xem vì nó mang hơi thở của cuộc sống. Với sân khấu nước nhà, nhạc kịch thuần Việt là một bước tiến lớn của âm nhạc và của nghệ thuật biểu diễn. Tôi mong muốn loại hình này sẽ phát triển và trở thành món ăn tinh thần mới mẻ”, khán giả Trần Ngọc Thùy (TPHCM) cảm nhận sau khi xem “Dế Mèn phiêu lưu ký”.

Với thế giới nhạc kịch đã có hàng trăm năm, ở Việt Nam thể loại này cũng không xa lạ. Theo giới nghiên cứu sân khấu, nhạc kịch xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1965 với vở “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, được công diễn tại Hà Nội với hơn 150 nhạc công, diễn viên và sau này “Cô Sao” vẫn được dàn dựng lại. Tính đến năm 2000, vở nhạc kịch đã được biểu diễn trên 100 lần, là một kỷ lục hiếm có với một vở diễn sân khấu hiện đại cũng như kịch hát mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vở diễn được dựng theo phong cách thính phòng opera nên khá kén khán giả.

Cùng với đó, những năm qua, nhạc kịch được dàn dựng nhiều hơn và dần thoát khỏi quan niệm hàn lâm với cách làm mới dần đưa loại hình này tới gần nhu cầu thưởng thức của khán giả. Trong đó phải nhắc tới dự án HOPE đình đám năm 2016 của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh gồm 3 vở nhạc kịch "Góc phố danh vọng", "Đêm hè sau cuối", "Mộng ước không xa vời" với tổng cộng 35 đêm diễn liên tục tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) đã để lại một trải nghiệm chung với khán giả là không khí sân khấu đặc biệt sôi động và lôi cuốn của phong cách nhạc kịch Broadway.

Cũng với phong cách Broadway, nhiều đơn vị chọn dàn dựng những vở nhạc kịch chuyển thể từ tác phẩm nước ngoài như: "Những người khốn khổ" (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam), "Bầy chim thiên nga" (Nhà hát Tuổi trẻ), "Chuyện người lính" (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Xưởng kịch và nghệ thuật ATH)… Trong đó "Những người khốn khổ" của đạo diễn Trần Ly Ly đã tạo dấu ấn sâu sắc khi lưu diễn trong 2 tháng và nhiều buổi diễn cháy vé.

Dù vậy, để tìm những điều mới mẻ thu hút khán giả, các nhà hát cũng như người làm nghề đã không ngừng nỗ lực tìm lối riêng cho nhạc kịch bằng cách dàn dựng cho được những vở nhạc kịch gần gũi với đời sống người Việt để khán giả dễ tiếp cận. Bởi thế loại hình nhạc kịch thuần Việt xuất hiện. Lý giải khái niệm nhạc kịch thuần Việt, theo NSƯT Ca Lê Hồng trước hết, kịch bản phải là tác phẩm văn học của Việt Nam, âm nhạc do người Việt sáng tác nói lên được tiếng lòng của dân tộc. Tác phẩm nhạc kịch thuần Việt tất nhiên phải do người Việt làm đạo diễn, diễn viên cũng phải là người Việt.

Thời gian qua đã có nhiều người làm nghệ thuật không ngại "thử lửa" với những vở nhạc kịch thuần Việt. Mới đây, sân khấu Kịch Hồng Vân (Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM) công diễn vở nhạc kịch "Bông cánh cò". Vở diễn thu hút đông đảo khán giả yêu thích nhạc kịch thuần Việt. Theo NSND Hồng Vân, thể loại nhạc kịch nói chung và nhạc kịch thuần Việt nói riêng đang là xu hướng ăn khách của sân khấu kịch hiện nay. Đây là nỗ lực làm mới sân khấu kịch, phục vụ khán giả để đời sống sàn diễn TPHCM có thêm nhiều món ăn tinh thần mới cho công chúng. Trước đó, những vở diễn như: "Tiên Nga" (Sân khấu Kịch IDECAF), "Tuyết Sài Gòn", "Tấm Cám", "Thủy Tinh - Đứa con thứ 101" (nhóm kịch Buffalo, TPHCM), "Hà Nội xưa và nay", "Tôi đọc báo sáng nay" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), "Trại hoa vàng", "Sóng" (Nhà hát Tuổi trẻ)… đã trở thành “món mới” được khán giả yêu thích.

Nhìn nhận sự chuyển mình của nhạc kịch, có thể thấy dù mức độ doanh thu và thành công về mặt chất lượng nghệ thuật còn khác nhau nhưng nhạc kịch do người Việt sáng tác, biểu diễn đã bước đầu được công chúng đón nhận, mang lại không khí sáng tạo mới cho sân khấu nước nhà, đặt nền tảng để sân khấu nhạc kịch thuần Việt có cơ sở phát triển. Có thể nói, đây là hướng đi đầy tiềm năng để sân khấu Việt đổi mới cách thể hiện chinh phục công chúng hôm nay.

Phân cảnh trong vở nhạc kịch “Trại hoa vàng”.

Muốn bứt phá phải mới

Tuy vậy, để định hình phong cách thuần Việt và tạo được sức nóng cho nhạc kịch lại là một câu chuyện khác, nói như NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc dàn dựng một vở nhạc kịch, nhất là nhạc kịch thuần Việt vô cùng gian nan, nhất là ở khâu nhân lực.

Xây dựng một vở nhạc kịch tiêu tốn công sức, tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với một vở kịch bình thường. Bên cạnh đó là sự đòi hỏi khắt khe về đạo diễn, âm nhạc, ánh sáng. Nhất là về diễn viên, bắt buộc phải hội tụ 3 trong 1, vừa phải biết diễn xuất, vừa phải biết ca hát và vũ đạo. Bởi vậy để tìm được một đội ngũ mấy chục người tham gia vào một vở nhạc kịch là rất khó khăn và là một hành trình gian nan.

Chúng ta cần có đạo diễn chuyên nghiệp cho loại hình nhạc kịch vì đây là một ngành nghề không giống bất cứ một đạo diễn nào. Ngoài kiến thức được học, được trang bị thì người làm nghề phải có thực tế và được dàn dựng từ vở kinh điển cho đến đương đại của ngày hôm nay.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Đạo diễn Tuyết Minh cũng nhìn nhận, cái khó nhất của nhạc kịch chính là đối thoại cũng phải mang chất âm nhạc, điều rất khó với ngôn ngữ chúng ta, và cơ sở vật chất chung của các rạp biểu diễn không đáp ứng được yêu cầu khá cao của hình thức nhạc kịch vốn đòi hỏi yếu tố ánh sáng, âm thanh, kỹ thuật phụ trợ khác phải thật hiện đại mới gây được hiệu ứng cần thiết đối với khán giả. Nhưng phải khẳng định, khó khăn lớn nhất cho việc phát triển nhạc kịch ở ta là hiện đang rất thiếu một đội ngũ nghệ sĩ chuyên cho nhạc kịch từ biên kịch, biên đạo cho tới diễn viên vì ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo nghệ thuật nào có chuyên ngành cho nhạc kịch.

Còn nhắc về sự tốn kém, công phu ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF (TPHCM) cho hay, chi phí rất cao với nhạc sĩ soạn nhạc, rồi diễn viên phải tập rất cực, mất thời gian, phải tăng thêm cát sê, rồi mỗi đêm lại có dàn nhạc sống ngồi đàn, mà vé bán cũng không thể quá cao. Bởi thế, cho đến nay vở nhạc kịch “Tiên Nga” vẫn chưa thể hoàn vốn. “Dù vậy làm nhạc kịch để thấy sân khấu còn chịu nỗ lực, chịu đổi mới, chứ không thể cũ mèm mãi”, ông Huỳnh Anh Tuấn bày tỏ.

Ở góc nhìn khác, đạo diễn Nguyễn Triều Dương - từng được đào tạo về nhạc kịch ở Anh, có thời gian làm việc ở nước ngoài cho hay, loại hình sân khấu này không mới, song với khán giả trong nước, nhạc kịch vẫn chưa thật quen thuộc, muốn bứt phá phải có nhiều cái mới. Và anh tin tưởng đây là thời điểm quan trọng để tạo ra tiền đề, nền móng cho nhạc kịch phát triển ở Việt Nam. “Ở nước ngoài mọi thứ đã có sẵn, tôi chỉ là bộ phận trong bộ máy đó, ập vào là diễn, làm kịch bản… Còn chúng ta đang xây dựng cả hệ thống để cơ thể nhạc kịch đó vận hành và đi tiếp. Tuy nhiên, có khó mới cần đến những người đầy nhiệt huyết nỗ lực”, đạo diễn Nguyễn Triều Dương nói.

Đặt câu hỏi điều làm nên sức hấp dẫn của vở nhạc kịch, đạo diễn Lê Ánh Tuyết - Trưởng đoàn Ca kịch Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, đây là điều khiến chị suy nghĩ rất nhiều khi “thử sức” với nhạc kịch. Chị từng xem nhạc kịch của Nguyễn Phi Phi Anh, nhiều vở nhạc kịch nổi tiếng của nước ngoài, những mạch chuyện của nhạc kịch khiến chị có nhiều cảm xúc hơn khi xem một bộ phim, đó là cảm nhận cá nhân khi chị vừa làm âm nhạc và làm chuyên môn đạo diễn.

“Khi mà theo dõi một vở kịch thông thường thì khán giả sẽ bị cuốn vào vở diễn, mỗi người có suy nghĩ riêng, nhưng khi có tác động của âm nhạc vào mạch cảm xúc đó, vào tình huống đó thì cảm xúc đó được nhân lên rất nhiều lần. Khi tôi là người là người trải nghiệm, tự hóa thân vào những nhân vật vở kịch tôi từng xem thì tôi thấy rằng cảm xúc mang lại cho khán giả là đặt vị trí của âm nhạc vào chỗ nào trong tình huống kịch đó.

Tình huống vui, buồn… và âm nhạc tác động trực tiếp đến trái tim thì cảm xúc đấy lan tỏa đến tất cả mọi người. Đây là cái khó nhưng cũng là lợi thế của nhạc kịch. Bởi vậy một vở nhạc kịch hấp dẫn là phải làm thế nào để kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch và âm nhạc nhằm mang đến cảm xúc thăng hoa nhất cho khán giả”, đạo diễn Lê Ánh Tuyết chiêm nghiệm.

Dưới con mắt của giới chuyên môn, việc dàn dựng nhạc kịch theo phong cách Broadway đã đạt được một số thành công nhưng môi trường để phát triển thể loại này tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả tới nhà hát. Để gỡ khó cho nhạc kịch cần có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, các trường đào tạo âm nhạc, các nhà hát, các tổ chức ngoài công lập và các tổ chức khác có liên quan để tạo được môi trường thuận lợi cho nhạc kịch phát triển một cách chuyên nghiệp, bởi đây là loại hình có khả năng mang lại doanh thu cao đưa nghệ thuật biểu diễn trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền công nghiệp văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo ‘sức nóng’ cho nhạc kịch