Tạo 'tường lửa' chống in lậu

Minh Quân 22/07/2020 07:44

Thời gian qua, việc in lậu trong ngành xuất bản đã trở thành vấn nạn. Thậm chí ngoài tầm kiểm soát của các quan chức năng.

Thu giữ sách in lậu. Ảnh: An Nhiên.

Những con số báo động

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với đơn vị chức năng ở Hà Nội phát hiện, thu giữ 26.000 bản sách và hơn 2 tấn bán thành phẩm sách giáo dục có dấu hiệu in lậu, làm giả tại 2 cơ sở Công ty TNHH Phú Hưng Phát, Công ty cổ phần dịch vụ Chính Nghĩa ở quận Hoàng Mai và quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Trước đó, Tổng cục QLTT phối hợp Cục QLTT Hà Nội cũng tiến hành kiểm tra một số cơ sở in ấn tại 418 Bạch Mai và khu vực ga Trần Quý Cáp đã phát hiện, thu giữ một số lượng lớn nghi là tay sách rời chưa có bìa sách và một số lượng thành phẩm sách ngoại ngữ dành cho trẻ em... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là 2 trong vô số các vụ việc in lậu trong lĩnh vực xuất bản trong thời gian qua bị các quan chức năng phát hiện.

Theo báo cáo của đoàn liên ngành phòng, chống in lậu trong năm 2019 đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 800 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hơn 120 nghìn xuất bản phẩm.

Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt hơn 480 triệu đồng, tịch thu hơn 27 nghìn xuất bản phẩm; TP HCM tiến hành 21 cuộc, xử phạt hơn 130 triệu đồng; Bình Định tiến hành 26 cuộc, tịch thu gần 74 nghìn xuất bản phẩm (trong đó 1 cuộc có dấu hiệu tội phạm hình sự, với tổng giá trị sách là hơn 1,5 tỷ đồng, hồ sơ được chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh.

Trong quá trình điều tra từ tháng 1 đến tháng 5/2020, cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố 3 bị can là chủ nhà sách. Vụ việc đang tiếp tục điều tra, để xử lý theo pháp luật).

Với những sự việc và con số trên thực tế cho thấy vấn nạn in lậu trong lĩnh vực xuất bản đang trong tình trạng báo động. Thậm chí các xuất bản phẩm lậu còn đang lấn át về số lượng so với các ẩn phẩm thật. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty sách First News Trí Việt (First News) cho biết: Sách của NXB bị làm lậu nhiều. Như cuốn Đắc nhân tâm, dù có nhiều đơn vị cùng khai thác, sách của chúng tôi bị in lậu nhiều nhất. 18 nơi in lậu cuốn đó.

Ngoài ra, Hạt giống tâm hồn và hàng trăm tựa sách khác cùng chung số phận bị in lậu tràn lan. Sách lậu thường tập trung ở đường Phạm Văn Đồng, Láng, Trần Quốc Hoàn và len lỏi vào cả những con phố bán sách lâu năm ở Hà Nội. Sách lậu vào Huế và các tỉnh thành phía Nam, lên cả những vùng như Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Ông Phước cũng cho biết thêm: 5 hay 10 năm trước, sách giả còn dễ nhận biết bằng mắt thường, vì chỉ giống khoảng 70%. Nhiều chỗ in sai sót, bìa màu nhạt, không đẹp mắt. Hiện nay, sách giả giống thật đến hơn 90%. Những người tinh tường trong nghề mới nhìn ra, còn bạn đọc thông thường khó lòng nhận biết. “Điều đó chứng tỏ sách giả được in ở những nhà in chuyên nghiệp, rất lớn với trang thiết bị hiện đại”- Giám đốc First News nói.

Tìm biện pháp căn cơ

Có thể nói, câu chuyện phòng, chống in lậu trong lĩnh vực xuất bản hiện nay vẫn đang loay hoay. Hiện tượng in xuất bản phẩm và các sản phẩm khác không đúng quy định của pháp luật theo đó, đang có dấu hiệu xuất hiện, gia tăng trở lại.

Biểu hiện cụ thể là chỉ trong thời gian ngắn, xuất hiện nhiều tài khoản Facebook, YouTube, website đăng tải, giới thiệu, chào bán công khai nhiều đầu sách với giá bán thấp hơn nhiều lần so với giá bìa. Việc này đặt ra nghi vấn, liệu các loại sách trên có được in ấn hợp pháp hay không? In tại đâu và do tổ chức, cá nhân nào thực hiện.

Theo số liệu báo cáo và nắm tình hình thực tế ở một số tỉnh thành phố, số liệu về cơ sở in, photocopy trên thực tế nhiều hơn so với danh sách quản lý của địa phương.

Tính đến nay, Hà Nội mới có 182 cơ sở in được cập nhật, TPHCM có 544 cơ sở in, Bình Dương có 184 cơ sở in, Đà Nẵng có 4 cơ sở in; nhiều cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động nhưng chưa được đưa vào danh sách cụ thể, chính xác, gây khó khăn cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng.

Theo phản ánh của một số địa phương vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiến hành kiểm tra, thanh tra các cơ sở in hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực đất an ninh, quốc phòng.

Đặc biệt, xuất phát từ thực tế phát hành xuất bản phẩm không có hóa đơn mà chỉ có phiếu xuất kho, nên khi gặp đoàn kiểm tra thì đơn vị này mới đi viết hóa đơn theo kiểu đối phó dẫn đến việc in lậu, in nối bản.

Ngoài ra, chế tài xử phạt photocopy các xuất bản phẩm hàng loạt chỉ ở mức từ 3 đến 5 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe dẫn đến việc các cơ sở in, photocopy vẫn cố tình vi phạm. Việc in giả từ 300 bản trở lên sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu, đồng nghĩa với việc có vài triệu bản in giả đi nữa mức phạt cũng chỉ là như vậy.

Để giải quyết căn cơ vấn nạn này, trên hết cần phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa đoàn liên ngành phòng chống in lậu trung ương và đội liên ngành các tỉnh thành phố trong việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành liên ngành đối với hoạt động in và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên toàn quốc để đảm bảo tính hiệu quả của việc phòng chống in lậu cũng là một vấn đề cần được chú trọng.

Việc áp dụng chế tài xử lý phù hợp, nghiêm minh cũng là một giải pháp để công tác xử phạt có hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, công ty sách phải lên tiếng và đoàn kết lại để chống sách giả, sách lậu. Các NXB cần phải bỏ qua tư tưởng “sống chung với sách lậu” bởi cứ im lặng mãi, sẽ tự giết chết chính mình.

Đặc biệt, mỗi người dân cùng nâng cao nhận thức về vấn đề sách lậu và bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ, nếu không cũng có nghĩa là tự chúng ta đang dần tước đi cơ hội được tiếp cận với kho tàng tri thức lớn của nhân loại qua các xuất bản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo 'tường lửa' chống in lậu