Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã kiến nghị Bộ Công Thương xin ý kiến Chính phủ cho phép TKV được áp dụng cơ chế đặc thù xử lý tài chính trong hoàn cảnh khó khăn do mưa lũ đã gây ra tại Quảng Ninh.
Ảnh minh họa
Theo đó, TKV xin triển khai một số dự án cấp bách về môi trường, phòng chống lụt bão như kè đập chắn đá, cải tạo các bãi thải nạo vét sông suối theo cơ chế chỉ định thầu để rút ngắn thời gian thực hiện. TKV đề nghị giảm thuế tài nguyên được đưa về mức 5% đối với khai thác than hầm lò và 7% đối với khai thác than lộ thiên, tương đương như mức thuế áp dụng ở thời điểm năm 2013. Thời điểm áp dụng tính từ 1-7-2015 đến hết năm 2016.
Cùng với đó, TKV đề xuất gia hạn nộp thuế 2 năm với ngành Than, nhất là giãn nộp phí tài liệu thăm dò khai thác để giúp TKV có vốn khắc phục mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ tiền di chuyển dân khỏi vùng nguy hiểm, chi phí tái định cư…đưa vào chi phí giá thành của ngành. Đối với người lao động, chi hỗ trợ trong thời gian 1 tháng đối với các đơn vị chi nhánh trực thuộc TKV. Riêng đối với các đơn vị cổ phần, do Luật Doanh nghiệp quy định nên sẽ không được áp dụng cơ chế này.
Do mưa lũ trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua, làm ảnh hưởng đến người lao động và sản xuất của các đơn vị ngành than tại Quảng Ninh. Ước tính tổng thiệt hại của TKV là trên 1.200 tỉ đồng, trong đó chủ yếu thiệt hại do khôi phục các tuyến đường lò bị ngập, thiết bị cơ điện bị hư hỏng, than trôi, đền bù cho các hộ dân, ngừng sản sản xuất. Tính đến nay, mưa lũ đã làm giảm sản lượng than sản xuất và tiêu thụ trên 0,6 triệu tấn, cả năm có thể giảm hơn 1 triệu tấn. Dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm nay sẽ giảm mạnh, trong đó lợi nhuận trước thuế còn 500 tỉ đồng so với kế hoạch 1.500 tỉ đồng được đưa ra từ đầu năm.
Bộ Công Thương cũng đang chỉ đạo ngành Than tiếp tục thống kê thiệt hại, báo cáo Bộ để trình Chính phủ có cơ chế phù hợp giúp TKV đẩy mạnh khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định công ăn việc làm và đời sống người lao động.