Ngày 7/10, tại Phú Thọ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Tập huấn công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dân số cho cán bộ Mặt trận các tỉnh phía Bắc”. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, cùng đại diện cán bộ Mặt trận cơ sở, khu dân cư của 10 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Bắc Ninh.
Hiện tượng mất cân bằng giới tính tăng cao
Theo ThS.BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, Việt Nam hiện đã đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc, tuy nhiên, mức sinh không đồng đều giữa các vùng, các tỉnh. Cùng với đó, cơ cấu dân số theo tuổi biến đổi nhanh, dân số Việt Nam đang bước vào quá trình giá hóa và sớm trở thành nước có dân số già.
Đặc biệt, hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đã tăng cao trong những năm gần đây.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, vào năm 2026, sẽ dư thừa 1,38 triệu đàn ông và nếu không có can thiệp kịp thời để chặn đứng sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh thì đến năm 2050, dự báo sẽ chênh lệch giữa số lượng nam và nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người.
Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh là từ nhận thức không đúng về bình đẳng giới dẫn đến những hành vi tiêu cực, trong đó có cả hành vi mà cả luật pháp và giáo lý, giáo luật của các tôn giáo đều ngăn cấm như việc lựa chọn giới tính thai nhi thông qua can thiệp bằng kỹ thuật, khoa học.
Tại Hội nghị, các đại biểu được truyền tải các nội dung về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng MCBGTKS; giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng MCBGTKS tại Việt Nam; giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, tôn trọng quy luật tự nhiên; phát huy lợi thế dân số vàng; các biện pháp nhằm “điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030” và kế hoạch truyền thông dân số đến năm 2030.
Nâng cao toàn diện chất lượng dân số
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và cả hệ thống chính trị đã có nhiều cố gắng để giải quyết các vấn đề về dân số.
Một trong những giải pháp quan trọng mà chúng ta đang thực hiện là vận động mọi tầng lớp nhân dân, bằng nhiều phương thức phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo... của mình để cùng nhau phấn đấu thực hiện có kết quả Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và trong thời gian tới tập trung tuyên truyền trọng tâm nhiệm vụ dân số và phát triển.
Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp đã lồng ghép công tác dân số vào Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong đó có nội dung: Vận động nhân dân tập luyện thể dục, thể thao; chủ động phòng, chống các dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe; thực hiện tốt công tác dân số- kế hoạch hoá gia đình; đồng thời “vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố” trong đó có lồng ghép các vấn đề dân số.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài mong muốn, với những nội dung được truyền tải tại Hội nghị, cán bộ Mặt trận cơ sở sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Quốc gia về Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2020-2030.
Thông qua công tác tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao toàn diện chất lượng dân số, đảm bảo mức sinh thay thế một cách bền vững và kiểm soát, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Từ năm 2005 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng các Câu lạc bộ "Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các mô hình điểm "Khu dân cư đoàn kết thực hiện gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc" tại một số tỉnh, thành phố. Đặc biệt là mô hình “Gia đình đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” và mô hình “Gia đình đồng bào Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” trong đồng bào tôn giáo.