Ngày 13/7, phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu thủ trưởng các đơn vị của ngành cần rút ra bài học kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề “nóng” mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Nhấn mạnh khối lượng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất lớn, trong đó có những nhiệm vụ hết sức phức tạp, nhạy cảm liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai, sửa đổi Luật Tài nguyên nước… Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị của ngành cần rút ra bài học kinh nghiệm để giải quyết các vấn đề “nóng” mà dư luận đang hết sức quan tâm.
Ông Hà cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phân công rõ trách nhiệm; đề xuất, hiến kế các giài pháp về thể chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách để tạo đột phá trong phát triển, chuyển dịch mô hình tăng trưởng. Các đơn vị trực thuộc phải tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 và các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí; các dự án được giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có nguồn gốc đất công; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; việc quản lý, sử dụng các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác theo giấy phép; việc xả nước thải vào nguồn nước,...
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ giám định, định giá trong các vụ việc tố tụng để đưa ra xét xử các vụ việc vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường.
Riêng Tổng cục Quản lý đất đai, cần đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý các dự án chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng; đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối dữ liệu đất đai với dữ liệu dân cư; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục về quyền của người sử dụng đất.
Về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản triển khai điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông xây dựng; thanh tra việc quản lý, sử dụng các mỏ khoáng sản đã hết hạn khai thác theo giấy phép; việc xả nước thải vào nguồn nước.
Đối với Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cần hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đẩy mạnh thanh/kiểm tra đối với các dự án giao khu vực biển để nhận chìm, phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết hồ sơ khảo sát đầu tư điện gió ngoài khơi. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi các lưu vực sông bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Tổng cục Khí tượng thủy văn tăng cường công tác dự báo cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão. Triển khai Đề án tổng thể quản lý thông tin cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi và trung du...