Trong năm 2016, các nội dung giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cần tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn các tỉnh thành phố lựa chọn mục tiêu phù hợp để giám sát...
Quang cảnh hội nghị.
Chiều 9/3 tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội nông dân, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp năm 2015, nội dung phối hợp năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Giám sát phát hiện 878 vụ vi phạm
Theo Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phối hợp (CTPH) Lều Vũ Điều trong năm 2015, Ban chỉ đạo CTPH ở Trung ương đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền, tập huấn, tổ chức các đoàn giám sát, bước đầu, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, nhất là đối với nông dân và sự quan tâm của các cấp, các ngành, dư luận xã hội về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và Hội Nông dân VN.
Trung ương đã tổ chức 6/7 đoàn giám sát tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Bạc Liêu. Việc giám sát tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp (VTNN) ở địa phương như quản lý chất lượng VTNN, công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm, khảo sát nắm việc chấp hành pháp luật của các hộ buôn bán và người sử dụng VTNN tập trung vào 4 loại sản phẩm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi công nghiệp và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức 186 cuộc giám sát tại địa bàn một số huyện, xã về việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Báo cáo của các đoàn giám sát cho thấy công tác quản lý chất lượng VTNN, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở nhiều nơi, nhất là đối với chính quyền cấp cơ sở chưa được thường xuyên, chặt chẽ. Nhiều hộ buôn bán VTNN chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, người bán hàng không có bảo hộ lao động; bảo quản chất lượng hàng hóa không đúng quy định, không có hóa đơn bán hàng…
Đơn cử như tại tỉnh Hòa Bình, qua kiểm định có 6/7 mẫu thức ăn chăn nuôi; 1/3 mẫu phân bón; 1/9 mẫu thuốc BVTV vi phạm về chất lượng. Hay như tại Gia Lai theo báo cáo của Sở Công Thương năm 2014 qua kiểm tra phát hiện 62/104 cơ sở sản xuất, buôn bán VTNN vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTNN. Huyện Thanh Trì, Hà Nội có 3/7 cơ sở. Huyện Yên Thành, Nghệ An có 3/6 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
“Năm 2015, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực VTNN đã được phát hiện và các cơ quan chức năng đã xem xét, xử lý. Lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 3.091 vụ việc, phát hiện xử lý 878 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 10,6 tỷ đồng, thu giữ hơn 276 tấn VTNN các loại, giá trị tang vật tịch thu ước tính hơn 39 tỷ đồng”, ông Lều Vũ Điều thông tin.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám các hành vi buôn bán chất cấm rất tinh vi nếu thanh tra kiểm tra theo kế hoạch sẽ rất tốn kém lãng phí mà kết quả không cao. Cần sự phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra trinh sát, lập đường dây nóng để người dân cung cấp thông tin phát hiện những sai phạm kiểm tra đột xuất mới có thể phát hiện được những vi phạm này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám phát biểu.
Về nhiệm vụ giám sát, ông Tám cho rằng nên đặt ra mục tiêu giám sát cụ thể với những vật tư đầu vật tư nông nghiệp gắn với ATTP như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi. Đây là những hành động gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nên cần tăng cường kiểm tra giám sát và có chế tài xử phạt nặng
Phó Chủ tịch Hội nông dân Lại Xuân Môn, cho rằng hiện nay nông dân đối mặt với nhiều bức xúc trong sản xuất như biến đổi khí hậu hạn hán, dịch bệnh, sản phẩm giả kém chất lượng đầu vào. Trong năm 2016 chương trình phối hợp giám sát chọn một vài việc tập trung đột phá để làm dứt điểm hiệu quả thì mới để tạo niềm tin với bà con nông dân.
Phó Chủ tịch Hội nông dân Lại Xuân Môn
Theo ông Môn cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền tạo ra nhận thức mới, ý thức mới của nông dân trong lựa chọn sử dụng sản xuất sản phẩm vật tư nông nghiệp an toàn, vận động nhân dân phát hiện tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh đầu vào vật tư nông nghiệp.
Chọn việc trọng tâm, địa bàn trọng điểm để giám sát
Phát biểu tại buổi làm việc Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị tham gia vào chương trình phối hợp giám sát. Qua triển khai thực hiện mặc dù là vấn đề mới khó nhưng những kết quả đạt được rất đáng trân trọng đó là ý thức vào cuộc và triển khai quyết liệt của các đoàn thể, bộ ngành với 58/63 tỉnh, thành đã triển khai ký kết chương trình phối hợp.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những nỗ lực của các đơn vị tham gia vào chương trình phối hợp giám sát.
Trên cơ sở kết quả này Mặt trận sẽ tiếp thu đưa vào một đề án lớn hơn đang chuẩn bị để triển khai trong 5 năm đó là vận động đảm bảo ATTP trên phạm vi cả nước trong đó có tập trung vào việc quản lý sản xuất vật tư nông nghiệp, sản xuất, phân phối chế biến thực phẩm, giám sát nhập nguyên liệu vật tư, thực phẩm qua biên giới.
Về nhiệm vụ trong năm 2016, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 4 đơn vị tham gia chương trình phối hợp giám sát cần chọn việc trọng tâm, chọn địa bàn trọng điểm chọn thời điềm thích hợp để kết cùng kết nối trong việc thực hiện.
Trong năm 2016, các nội dung giám sát cần tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để từ đó rút kinh nghiệm và hướng dẫn các tỉnh thành phố lựa chọn mục tiêu phù hợp để giám sát trong đó ưu tiên giám sát điều kiện sản xuất, kinh doanh, giám sát chất lượng đầu vào của một số vật tư đầu vào nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
Về phía MTTQ Việt Nam và Hội Nông dân, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân hai cơ quan cần tập trung vào việc giám sát điều kiện sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu vào vật tư nông nghiệp gắn với việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với đó hai bên tham gia vận động khuyến khích nhân dân phát hiện tố giác những cơ sở sản xuất kinh doanh có vi phạm để làm tai mắt cho chính quyền kiểm tra, xử lý
Đối với việc thanh tra, kiểm tra gắn với xử phạt các vi phạm trong sản xuất đầu vào vật tư nông nghiệp Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần ưu tiên cho các cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận và Hội nông dân chỉ tham gia nếu thấy vụ việc tiêu biểu để đảm bảo khách quan cũng như giám sát việc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm tra.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Chỉ đạo đến ngày 30/4 cần ký được chương trình phối hợp giám sát, tiến hành thực hiện việc ký kết tại 5 tỉnh thành phố chưa triển khai việc thực hiện, cùng với đó đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự quan tâm của dư luận xã hội với chương trình giám sát. Hội Nông dân cần phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương tập huấn cho người sản xuất, hộ kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật; vận động giám sát hộ nông dân sản xuất an toàn...
Một số hình ảnh tại hội nghị:
Anh Vũ