Xã hội

Tất bật vào vụ hoa Tết

Đoàn Xá – Nguyễn Quốc 08/12/2023 11:00

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này, người dân trồng hoa tại các vựa hoa ở TPHCM, Thừa Thiên Huế đang tất bật chuẩn bị vụ hoa Tết để kịp thời cung ứng cho thị trường.

anh1baitren.jpg
Nông dân TP Huế chăm sóc vườn hoa cúc để kịp thời cung ứng ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Ảnh: Nguyễn Quốc.

Nhộn nhịp làng mai kiểng

Là một trong những làng nghề truyền thống thu hút nhiều nông dân tham gia nhất, thời gian này, không khí trồng mai Tết ở Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM) hết sức nhộn nhịp. Mặc dù có nhiều dự báo về khó khăn sắp tới nhưng nông dân trồng mai Bình Lợi vẫn tự tin, mở rộng thêm các kênh bán hàng dịp Tết.

Đang lúi húi lặt những lá mai màu xanh mướt, bà Phạm Thị Thinh (61 tuổi) cho biết khoảng 2 tuần nay, bà cùng còn gái út từ bên Đức Hoà (tỉnh Long An) thường sang đây lặt lá mai thuê. “Công việc rất đơn giản nhưng phải chịu khó chút. Làm từ 7 giờ sáng tới 17 giờ chiều, tiền công là 200.000 đồng mỗi ngày. Nếu tăng ca thêm thì mỗi giờ được 30.000 đồng, cũng đủ chi phí cho cái Tết sắp tới” - bà Thinh tâm sự.

Đi dọc tuyến đường Vườn Thơm của xã Bình Lợi hiện nay, rất nhiều vườn mai của nông dân đã bắt đầu lặt lá và đưa lên chậu để rao bán, vận chuyển đi xa. Ở Bình Lợi, phần lớn nông dân trồng loại mai giảo Thủ Đức có đặc trưng là ít cánh nhưng màu vàng tươi rực rỡ, có mùi thơm nhẹ và dễ canh tác.

Ông Nguyễn Văn Sang, 66 tuổi, chủ vườn hơn hơn 700 gốc mai cho biết, Tết Giáp Thìn 2024, ông quyết định tách cây nhỏ để bán. “Năm nay kinh tế khó khăn nên sẽ hiếm người bỏ ra vài chục triệu đồng để mua một chậu mai. Nhưng Tết thì nhà nào cũng phải có mai kiểng. Vì vậy từ giữa năm tôi đã chuẩn bị kế hoạch tách, chiết các chậu mai nhỏ, giá vài triệu đồng thôi” - ông Sang chia sẻ.

Làng trồng mai Bình Lợi mặc dù mới được hình thành hơn 20 năm trở lại đây nhưng những hộ dân trồng mai có kinh nghiệm lâu năm, thậm chí truyền đời. Theo đó, những hộ trồng mai này trước hoạt động ở nhiều khu vực khác trên địa bàn TPHCM nhưng do tốc độ đô thị hóa thời gian qua quá nhanh khiến cho người trồng mai thiếu đất, không gian để tiếp tục làm nghề. Vì vậy, nhiều người đã di dời địa điểm nhà vườn bằng cách thuê, mua đất ở khu vực xã Bình Lợi tiếp tục nghề trồng mai kiểng Tết. Đây là khu vực nằm ở ngoại ô của TPHCM, cách trung tâm khoảng 40 cây số, giáp ranh với địa phận huyện Bến Lức, Đức Hoà của tỉnh Long An.

Theo bà Phan Thị Thanh Công, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, mặc dù nằm ở địa bàn TPHCM nhưng 80% diện tích xã là đất nông nghiệp. Hiện nay xã có hơn 400 hộ dân tham gia trồng mai với diện hơn 500ha. Ngoài ra, các nông dân còn thành lập Hợp tác xã Mai vàng Bình Lợi để quảng bá sản phẩm, giữ thương hiệu cây mai của địa phương.

anh2baitren.jpg
Nông dân xã Bình Lợi, TPHCM “lên chậu” cho mai Tết những ngày cuối năm. Ảnh: Đoàn Xá.

Tăng thu nhập nhờ vụ hoa Tết

Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều hộ dân trồng hoa để phục vụ vào dịp Tết Nguyên đán, tập trung nhiều ở huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy, thành phố Huế... Trong đó, làng hoa Thủy Vân (phường Thuỷ Vân, thành phố Huế) được xem là một trong những vựa hoa lớn nhất của tỉnh, cung cấp ra thị trường vào dịp Tết hàng chục nghìn chậu hoa cúc mỗi năm cho các địa phương.

Những ngày này, người làng Dạ Lê Chánh (phường Thủy Vân) tất bật ra vườn chăm hoa cúc chậu để kịp có mặt hàng bán trong dịp Tết. Mỗi vườn cúc chậu có từ 3-4 nhân công phụ trách cắm nan tre, buộc dây cho cây hoa. Các hộ trồng hoa cũng giăng mắc hàng nghìn bóng đèn để thắp sáng vào ban đêm tạo ánh sáng cho hoa nhanh phát triển.

Để phục vụ thị trường hoa dịp Tết, vào khoảng tháng 7 (âm lịch), nhiều hộ dân trên địa bàn phường Thủy Vân bắt đầu xuống giống trồng hoa cúc chậu để phục vụ cho người dân chưng Tết.

Ông Nguyễn Văn Bảo (phường Thuỷ Vân, TP Huế) cho biết, gia đình ông trồng hoa cúc chậu hơn 10 năm nay. Thời điểm này, hoa chuẩn bị cho nụ nên việc chăm sóc và bón phân, phun thuốc… phải rất kỹ lưỡng, người trồng hoa phải có mặt ở vườn gần như từ sáng đến tối.

Năm nay gia đình ông Bảo trồng khoảng 1.000 chậu hoa cúc. Để kịp cho vụ hoa Tết, những ngày qua, cả gia đình ông cũng như các nhân công đang miệt mài công đoạn cắm vè, cố định những cành hoa đứng thẳng trước khi cho nụ. Đồng thời, tiến hành thắp đèn vào ban đêm để tăng chiều cao cho cây và kiềm chế được thời gian bung nụ sớm. Khi cây đạt đến độ cao nhất định, việc thắp sáng sẽ dừng hẳn, sau đó hoa sẽ bắt đầu cho nụ.

Ông Bảo cho biết, ngoài việc chăm sóc, tưới nước, bón phân… đúng kỹ thuật và đúng thời điểm, thì công đoạn tỉa nụ cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, mỗi chậu hoa cho ra rất nhiều nụ, vì thế người trồng hoa phải tỉa từng nụ nhỏ trên mỗi cành, chỉ để lại nụ chính khi đó cây sẽ cho hoa to và đẹp.

“Năm nay, tình hình suy thoái kinh tế chung của thế giới, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc mua sắm và chơi Tết của người dân. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến người trồng hoa. Mong rằng, sắp tới nền kinh tế sẽ phục hồi, để mọi người dân có một cái Tết ấm áp”- ông Thành nói.

Đang buộc dây, tạo dáng cho hoa tại vườn, bà Trần Thị Thanh (trú tại phường Thủy Vân, thành phố Huế) cho biết, năm nay, gia đình bà trồng hơn 400 chậu hoa cúc phục vụ cho thị trường Tết. Hiện toàn bộ số chậu cúc của gia đình bà đã được thương lái thu mua tại vườn, chờ ngày vận chuyển đi các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình để bán cho người dân.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND phường Thủy Vân, vụ hoa Tết năm nay, toàn phường có 70 hộ dân tham gia trồng hoa, trung bình mỗi hộ trồng 600 chậu, chủ yếu là hoa cúc. “Sau khi trừ đi mọi chi phí, hoa Tết mang lại thu nhập cho người dân từ 60-100 triệu đồng/vụ. Nhờ trồng hoa vụ Tết, nhiều người dân có nguồn thu nhập ổn định, đời sống của bà con ngày một nâng lên” – ông Trung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tất bật vào vụ hoa Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO