Kinh tế

Tất bật vụ trái cây Tết

Đoàn Xá 22/11/2024 09:56

Hơn 2 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời gian này, các nhà vườn của nông dân miền Tây Nam bộ đang tất bật chuẩn bị cho vụ trái cây Tết. Từ những trái cây đặc sản cho tới trái cây thông thường, bà con hy vọng sẽ có thể tiêu thụ một cách thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ tăng và giá cũng tăng.

Anh cv
Nông dân thu hoạch dứa Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Trung Kiên.

Dè dặt sản xuất trái cây tạo hình

Từng là thương hiệu trái cây của nhiều nhà vườn miền Tây Nam bộ dịp Tết đến Xuân về, những loại trái cây tạo hình như bưởi, dưa hấu, dừa có hình hồ lô, hình thỏi vàng, hình chữ tài lộc… có giá hàng triệu đồng mỗi cặp, cao gấp vài chục lần giá thông thường. Tuy nhiên, dịp Tết Ất Tỵ tới, nhiều nhà vườn có kinh nghiệm tạo hình trái cây ở Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang… cho biết đã giảm quy mô sản xuất, thậm chí tạm dừng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Huỳnh Thanh Tâm ngụ ở huyện Châu Thành (Bến Tre) chuyên tạo hình trái cây Tết cho biết, dù trái bưởi tạo hình có giá cả triệu đồng, thậm chí 1,5 triệu đồng mỗi trái nhưng người sản xuất vẫn có thể thua lỗ bởi quy trình sản xuất khó khăn, đầu tư khuôn, công sức rất nhiều. Hơn nữa, trái cây tạo hình cũng kén khách, khó có thể bán trực tiếp ở chợ hay siêu thị như trái cây thông thường nên chi phí tiếp thị, quảng bá sản phẩm cũng tốn kém.

anh 1
Nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) phấn khởi với vụ quýt hồng Tết Ất Tỵ. Ảnh: Đ.Xá.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Quốc (66 tuổi), một nông dân sản xuất bưởi tạo hình ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết, năm nay ông vẫn sản xuất khoảng gần 200 trái bưởi hình hồ lô, hình vuông, hình thỏi vàng… “Tôi làm bưởi tạo hình cũng nhiều vụ Tết rồi nhưng năm nay thị trường có vẻ chậm hơn. Nguyên nhân chủ yếu là trái cây tạo hình Trung Quốc giá rẻ tràn ngập chợ dịp Tết khiến hàng của mình gặp khó. Dù không cạnh tranh trực tiếp nhưng các loại trái cây tạo hình Trung Quốc cũng khiến giá bưởi của mình giảm nhiều lắm. Dự kiến giá chỉ còn khoảng 500 nghìn đồng tới 1 triệu đồng thôi. Đây là mức giá không quá lớn vì bưởi da xanh dịp Tết cũng hơn trăm ngàn một trái rồi. Thế nhưng có mấy mối quen họ vẫn đặt hàng nên mình tiếp tục làm. Mà làm trái cây tạo hình không dễ, để được 200 trái thì phải đầu tư tạo hình khoảng 250 trái” - ông Quốc cho biết thêm.

Dù giảm quy mô nhưng nhiều nông dân vẫn tiếp tục sản xuất các loại trái cây có hình dáng độc lạ, có dòng chữ phù hợp với dịp Tết cổ truyền.

Ngoài bưởi, dưa hấu, dừa thì nhiều nông dân ở Đồng Tháp, Tiền Giang... còn tạo hình dòng chữ Phúc, Lộc, Thọ... trên các trái xoài nhờ khuôn nhựa tạo hình. Sau đó sử dụng thêm một lớp sơn màu đỏ để làm nổi bật những dòng chữ này. Dù không còn quá “hot” như khi mới xuất hiện chừng 10 năm về trước nhưng nhiều nông dân vẫn duy trì việc sản xuất trái cây tạo hình, một phần vì đam mê, một phần vì vẫn còn thị trường tiêu thụ.

Ngoài trái cây tạo hình, trái cây kiểng cũng là một sáng tạo của nhiều nông dân dịp Tết. Anh Nguyễn Văn Hạnh (36 tuổi), một nông dân trồng thanh long ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, Long An) cho biết khoảng 1 tháng trở lại đây, giá thanh long ở mức rất thấp, chỉ khoảng 10.000 đồng mỗi ký nên anh quyết định gia tăng trồng thanh long trong chậu để trưng Tết.

“Thanh long trong chậu trưng Tết năm nào tôi cũng làm nhưng năm nay giá rẻ nên mình làm nhiều hơn, khoảng hơn 300 chậu. Thanh long từ đầu tháng trước đã được tách triết trên thân cây lớn theo từng nhánh nhỏ. Trước tết khoảng một tháng mình sẽ đưa các nhánh này vào trong chậu. Tuỳ theo nhu cầu thị trường mà các chậu sẽ có 5,7 hay 9 nhánh cây, thậm chí nhiều hơn. Mỗi nhánh cây trung bình từ 2-4 trái sẽ tạo cho chậu thanh long thành chùm trái lớn. Do thanh long có màu đỏ rực rỡ nên rất phù hợp để trưng trong dịp Tết” - anh Hạnh chia sẻ thêm.

ANH 2
Nông dân xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) lên kế hoạch sản xuất chuối cuối năm.

Tết là cơ hội vàng

Khác với những nông dân làm trái cây tạo hình, những ngày này, nhiều nông dân sản xuất trái cây như bưởi, sầu riêng, xoài, chuối… ở miền Tây Nam bộ đang hối hả bước vào vụ Tết.

Sau một năm dài được coi là bội thu với nhiều loại trái cây ở miền Tây vì giá cao khi xuất khẩu, dịp cuối năm là thời gian nhiều nhà vườn “hốt cú chót”. Với mức giá cao và dự báo nhu cầu có thể tăng mạnh, sản xuất trái cây Tết dù chi phí cao nhưng cũng giúp nhà vườn thu lợi lớn. Với hàng trăm héc ta chuối, ông Nguyễn Lợi Đức (thường gọi là Sáu Đức) ở xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) đang sở hữu trang trại chuối thuộc loại lớn nhất miền Tây Nam bộ. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đức cho biết chuối của ông thu hoạch quanh năm, chủ yếu xuất khẩu sang các nước xứ lạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… và bán cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích trong nước.

“Với nông dân thì Tết là cơ hội vàng vì hầu hết các loại trái cây đều tăng giá và tăng nhu cầu. Chuối của vườn nhà tôi cũng vậy. Tuy nhiên, mình sản xuất nhiều nên giá sẽ không tăng nhiều vì đã ký hợp đồng cả năm với đối tác rồi, dao động tối đa là 10% thôi. Nhưng sản lượng tăng gấp 2-3 lần tháng bình thường cũng rất tốt. Ngay từ tháng trước tôi đã phải điều chỉnh quy trình sản xuất để tập trung sản lượng cho tháng Tết. Bởi sau Tết nhu cầu sẽ giảm khá nhiều” - ông Đức chia sẻ.

Tương tự, nhiều nông dân trồng xoài, vú sữa, sầu riêng… ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng đang tất bật tập trung vào vụ sản xuất cuối năm. Từ lâu, Tiền Giang được coi là vựa trái cây của miền Tây Nam bộ rộng lớn. Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, mỗi năm địa phương cung cấp khoảng 100 ngàn tấn trái cây phục vụ nhu cầu tết cho thị trường, chủ yếu là thanh long, xoài, sầu riêng, vú sữa… Dự tính dịp Tết Ất Tỵ 2025, giá hầu hết các loại trái cây có thể tăng 10-20% so với ngày thường, đem lại khoản lợi nhuận đáng kể cho nông dân. Theo ông Phan Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè, hiện địa phương có gần 25.000 héc ta cây ăn trái với nhiều chủng loại nhưng hiện nay, có 2 loại cây là sầu riêng và mít rất có giá nên đời sống người dân đảm bảo, trong đó, cây sầu riêng là "cây tỷ phú". Các loại cây khác phục vụ thị trường Tết như: Cây có múi, xoài, mận, vú sữa... cũng rất đa dạng, nhìn chung đều có giá. Từ đó góp phần cho thu nhập của người dân tăng cao. Tính đến thời điểm này, bình quân đầu người của người dân gần 70 triệu đồng/năm.

Là loại trái cây đặc trưng chỉ sản xuất vụ Tết, những ngày này, hàng trăm vườn quýt hồng của nông dân huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) đang được chăm sóc cẩn thận. Chị Nguyễn Thị Hòa - chủ một vườn quýt ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung) cho biết gia đình chị có 6 công quýt, dự kiến thu khoảng 15 tấn trái dịp Tết này. “Quýt ở Lai Vung có màu sắc đẹp, hồng tươi rực rỡ nên được ưa chuộng. Cây quýt hồng khó trồng lắm, chỉ vùng Lai Vung mới cho trái màu đẹp thôi. Ở mấy nơi khác quýt cũng cho trái, cũng ngọt và mọng nước nhưng màu nhạt hơn rất nhiều nên giá thấp hơn. Một nửa vườn nhà tôi đã nhận cọc thương lái giá 35.000 đồng một ký rồi. Một nửa còn lại mình đợi gần Tết xem giá cả ra sao thì tính tiếp. Quýt thu mua tại vườn 35.000 tới 40.000 đồng là khá cao bởi việc thu hoạch quýt tốn kém lắm, hầu hết chở ghe ra đường lớn cho xe tải nữa. Nếu vườn ở ngoài lộ thì họ bán được trên 40.000 đồng là thường” - chị Hòa cho biết.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, diện tích quýt ở địa phương dịp cuối năm nào là gần 220 héc ta, cao hơn so với năm trước nhưng giảm khá nhiều so với thời điểm những năm 2027-2019. Mặc dù diện tích quýt giảm nhưng địa phương đã hướng dẫn nông dân sản xuất quýt theo mô hình bền vững là bón phân hữu cơ, giảm thuốc trừ sâu và phân vô cơ để giúp cho trái quýt giữ được lâu hơn.

Cũng theo ông Tồn, ngoài giá trị cây trái thông thường vài năm gần đây, nông dân cũng thu lợi lớn từ dịch vụ du lịch ở vườn quýt vào dịp cuối năm. Theo đó, từ cuối tháng 12 là khách ở nhiều nơi tìm tới các nơi tìm tới vườn quýt tham quan, chụp hình, mua bán sản phẩm từ quýt vì lúc này quýt chín, màu sắc rất đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tất bật vụ trái cây Tết