Tàu chiến M653 Capricorne của Pháp, thuộc NATO đã tới Ukraine để tham gia cuộc tập trận hải quân với Kiev, đây là lần thứ hai tàu NATO của một quốc gia không thuộc Biển Đen ghé thăm Odessa năm 2019.
Tàu chiến M653 Capricorne của Pháp. (Nguồn: uawire.org).
Ngày 24/3, tàu chiến M653 Capricorne của Pháp, thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tới Ukraine để tham gia cuộc tập trận hải quân với Kiev.
Báo Kiev Post đưa tin tàu M653 Capricorne cập cảng Odessa sáng 23/3.
Capricorne là một tàu săn mìn lớp Eridan, phục vụ trong hạm đội của Hải quân Pháp từ tháng 8/1987, với lượng giãn nước là 625 tấn, dài 52 m, rộng 9 m, tốc độ tối đa 18 hải lý/giờ, biên chế 49 người, trong đó có 5 sỹ quan.
Đây là lần thứ hai tàu NATO của một quốc gia không thuộc Biển Đen ghé thăm Odessa năm 2019. Chiếc tàu đầu tiên đến Odessa là tàu khu trục Mỹ DDG75 Donald Cook vào ngày 25/2 vừa qua.
Mục đích của chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực hải quân và an ninh trên biển.
Con tàu trên sẽ ở lại thành phố Odessa cho đến ngày 26/3. Lịch trình chuyến thăm cũng bao gồm các cuộc tập trận quân sự với các tàu của Lực lượng Hải quân Ukraine theo chương trình PASSEX.
NATO và Ukraine nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong năm 2019 trong các lĩnh vực như huấn luyện quân nhân và tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của NATO tại quốc gia Đông Âu này, trong đó có việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của NATO tại Ukraine, huấn luyện quân nhân và cải thiện sự an toàn của các kho lưu trữ tên lửa và đạn dược.
Nhiều năm qua, Ukraine vẫn tìm cách gia nhập NATO. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên NATO trước năm 2020.
Trong khi đó, Biển Đen trở thành điểm nóng trong quan hệ Nga-Ukraine sau khi Moskva bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng thủy thủ đoàn tại khu vực gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải hồi tháng 11/2018.
Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga, trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng đây là một "sự cố biên giới."
Hai bên cũng đã có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau sau vụ việc này. Chính quyền Ukraine đã kêu gọi NATO có hành động dứt khoát và mạnh mẽ đối với Nga, tuy nhiên các ngoại trưởng NATO nhóm họp sau đó tại Brussels (Bỉ) đã không đưa ra bất kỳ biện pháp mới nào để trợ giúp Ukraine do không muốn leo thang căng thẳng với Nga.
Moskva cũng cho rằng việc Ukraine kêu gọi NATO giúp đỡ là hành động khiêu khích.