Một tàu container đã đâm vào cây cầu bốn làn ở cảng Baltimore của Mỹ lúc rạng sáng ngày 26/3 giờ địa phương (13h30 cùng ngày giờ Việt Nam), khiến cầu bị sập và nhiều phương tiện di chuyển trên cầu lao xuống dòng sông bên dưới.
Lực lượng cứu hộ đã cứu được hai người sống sót, một người ở "tình trạng rất nghiêm trọng" và đang tìm kiếm thêm ở sông Patapsco sau khi nhịp cầu khổng lồ dài 2,57 km của cầu Francis Scott Key bị sập xuống nước.
ABC News đưa tin, trích dẫn một báo cáo tình báo Mỹ, con tàu "mất lực đẩy" khi đang rời cảng và thủy thủ đoàn trên tàu đã thông báo cho các quan chức Maryland rằng họ đã mất quyền kiểm soát con tàu.
Giới chức Baltimore cho biết, ít nhất 7 phương tiện lao xuống nước nhưng không thể đưa ra con số chính xác.
Ông Kevin Cartwright, người phát ngôn của Sở cứu hỏa thành phố Baltimore trước đó cho biết, có thể có tới 20 người cùng với "nhiều phương tiện, và có thể là một xe đầu kéo hoặc một phương tiện lớn như xe đầu kéo đã rơi xuống sông".
Ông Cartwright cho rằng, đây là một sự kiện có nhiều thương vong. Hoạt động cứu hộ sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
Một video trực tiếp được đăng trên YouTube cho thấy, con tàu lao vào cây cầu trong bóng tối. Đèn pha của các phương tiện có thể được nhìn thấy trên cầu khi nó lao xuống nước và con tàu bốc cháy.
Thảm họa này có thể là vụ sập cầu tồi tệ nhất ở Mỹ kể từ năm 2007 khi cầu I-35W ở Minneapolis sập xuống sông Mississippi, khiến 13 người thiệt mạng.
Thống đốc bang Maryland Wes Moore đã ban bố tình trạng khẩn cấp để nhanh chóng triển khai các nguồn lực liên bang nhằm đối phó tình hình. FBI ở Baltimore cho biết, nhân viên của họ đã có mặt tại hiện trường. Tại một cuộc họp báo, Ủy viên Cảnh sát Baltimore Richard Worley khẳng định không có dấu hiệu khủng bố trong vụ việc.
Theo Sở Giao thông vận tải Maryland, giao thông đã bị đình chỉ tại Cảng Baltimore cho đến khi có thông báo mới. Theo dữ liệu của cảng, đây là cảng bận rộn nhất của Mỹ về vận chuyển ô tô, xử lý hơn 750.000 phương tiện vào năm 2022.
Các nguồn tin vận chuyển và bảo hiểm cho biết hiện chưa rõ liệu có tàu nào khác bị hư hại hay liệu các hoạt động đến và đi từ cảng có bị tạm dừng hay không.
Con tàu được dữ liệu theo dõi tàu LSEG xác định là tàu container mang cờ Singapore, tàu Dali. Dữ liệu LSEG cho thấy, chủ sở hữu đăng ký của con tàu là Grace Ocean Pte Ltd và người quản lý là Synergy Marine Group.
Synergy Marine Corp cho biết, tàu Dali đã va chạm với một trong những trụ của cây cầu và tất cả thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm cả hai lái tàu, đều đã được xác định và không có báo cáo về bất kỳ thương tích nào.
Công ty Đan Mạch cho biết, tàu Dali được công ty vận tải biển Maersk thuê và mới hoạt động vào thời điểm xảy ra vụ việc. “Chúng tôi kinh hoàng trước những gì đã xảy ra ở Baltimore và chúng tôi nghĩ đến tất cả những người bị ảnh hưởng”, đại diện Maersk nói.
Được biết, các bến cá nhân và công cộng của cảng Baltimore đã xử lý 847.158 ô tô và xe tải nhẹ vào năm 2023, nhiều nhất so với bất kỳ cảng nào ở Mỹ. Theo trang web của chính quyền bang Maryland, cảng cũng xử lý vận chuyển máy móc nông nghiệp và xây dựng, đường, thạch cao và than đá.
Cảng xử lý xuất nhập khẩu cho các nhà sản xuất ô tô lớn bao gồm Nissan, Toyota, General Motors, Volvo, Jaguar Land Rover và tập đoàn Volkswagen - bao gồm các mẫu xe sang trọng cho Audi, Lamborghini và Bentley.
Dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ theo dõi tàu và phân tích hàng hải MarineTraffic cho thấy, hơn 40 tàu vẫn ở lại cảng Baltimore, bao gồm các tàu chở hàng nhỏ, tàu kéo và tàu giải trí. Ít nhất 30 tàu khác đã phát tín hiệu điểm đến của họ là Baltimore.
Cây cầu được đặt theo tên của ông Francis Scott Key, tác giả cuốn Star Spangled Banner, được khánh thành vào năm 1977.