Ban Quản lý vịnh Hạ Long vừa có văn bản tạm dừng hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên vịnh Hạ Long đối với một tàu du lịch có hành vi để khách du lịch đi trên phương tiện mang theo và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khó phân hủy khi tham quan vịnh Hạ Long.
Vào hồi 10h10 ngày 20/5, tại điểm đón khách tham quan hang Luồn trên vịnh Hạ Long, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã phát hiện tàu du lịch Thịnh An 88, QN-8618 (của Hộ kinh doanh Bùi Văn Thủy) có hành vi để khách du lịch đi trên phương tiện mang theo và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khó phân hủy khi tham quan vịnh Hạ Long.
Hành vi trên đã vi phạm quy định theo hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên Vịnh Hạ Long (gồm cả vịnh Bái Tử Long) được ký kết giữa Ban Quản lý Vịnh Hạ Long và Hộ kinh doanh Bùi Văn Thủy.
Do đó, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã ra văn bản tạm dừng thực hiện hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên Vịnh Hạ Long (gồm cả vịnh Bái Tử Long) đối với Hộ kinh doanh Bùi Văn Thủy (chủ sở hữu tàu du lịch Thịnh An 88, QN-8618) trong thời gian 7 ngày (kể từ ngày 24/5 đến hết ngày 30/5/2025).
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về sự việc trên, chị Bùi Thị Huyền - đại diện Hộ kinh doanh Bùi Văn Thủy, chia sẻ: Đó là đoàn khách Trung Quốc khoảng 10 người cùng hướng dẫn viên, đi tham quan vịnh Hạ Long theo hành trình số 2. Mặc dù đã được nhắc nhở nhiều lần, tuy nhiên đoàn khách Trung Quốc vẫn để chai nước nhựa ở trong túi, balo nên rất khó để kiểm tra. Khi đoàn khách bỏ các chai nước ra uống thì để lại trên bàn ở trên tàu rồi đi tham quan hang Luồn. Do chai nước của khách còn nhiều nên chúng tôi không dám tự ý vứt đi khi chưa được sự đồng ý của khách mà chỉ sắp xếp gọn lại. Đây là lỗi của chúng tôi vì đã không kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của khách.
Chị Huyền cho biết, sau khi làm việc với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Hộ kinh doanh gia đình đã chuẩn bị tâm lý để nộp phạt cho lỗi vi phạm trên, nhưng việc Ban Quản lý vịnh Hạ Long ra văn bản tạm dừng hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên vịnh Hạ Long trong 7 ngày thật sự khiến gia đình bất ngờ.
Theo chị Huyền, đây là hình phạt quá nặng, bởi trong 7 ngày tạm dừng hoạt động, nhà tàu phải hủy lịch với các đơn vị lữ hành, các đoàn khách đã đặt trước, ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 50 triệu đồng. Việc này cũng gây mất uy tín đối với hình ảnh của tàu du lịch Thịnh An 88, QN-8618.
Đại diện Hộ kinh doanh Bùi Văn Thủy bày tỏ mong muốn Ban Quản lý vịnh sẽ xem xét lại hình thức phạt hợp lý hơn.
Khi thông tin về sự việc trên được đăng tải trên mạng xã hội cũng đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến đồng tình với quyết định của Ban Quản lý vịnh Hạ Long là đúng và cần thiết để bảo vệ môi trường. Song cũng có nhiều ý kiến cho rằng quyết định này là hình phạt quá nặng nề đối với nhà tàu, trong khi chỉ phạt tàu mà không phạt khách...
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long thông tin: Đây không phải trường hợp đầu tiên bị tạm dừng hợp đồng về neo đậu, hoạt động tại các cảng, bến, vùng nước trên vịnh Hạ Long (gồm cả vịnh Bái Tử Long) trong thời gian 7 ngày vì có hành vi để khách du lịch đi trên phương tiện mang theo và sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khó phân hủy khi tham quan vịnh Hạ Long.
Theo ông Cường, quy định này đã được nêu rõ trong hợp đồng giữa Ban Quản lý vịnh Hạ long và các hộ kinh doanh tàu du lịch. Ngay khi phát hiện khách mang theo các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khó phân hủy khi tham quan vịnh Hạ Long thì các chủ tàu cần có động thái kiên quyết xử lý ngay chứ không nên "cả nể sợ mất lòng khách". Việc thực hiện nghiêm quy định này nhằm bảo vệ môi trường và phòng chống rác thải nhựa tại vịnh Hạ Long.
Ông Cường cho biết thêm, hiện tại chỉ có một chế tài xử lý hành vi vi phạm nói trên là tạm dừng hợp đồng về neo đậu, hoạt động trong vòng 7 ngày. Chúng tôi đang rà soát, xem xét lại chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trên, có thể đưa thành khung từ thấp đến cao để phù hợp với từng mức độ vi phạm cụ thể...