Khai thác quá số tàu trong phạm vi mỏ, bãi tập kết không có trạm cân, không có hệ thống thu gom nước thải, cát từ bãi tràn ra ngoài, hoạt động vận chuyển diễn ra cả ngày lẫn đêm gây ô nhiễm môi trường, gây hư hỏng đường sá, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân… là những vấn đề đang xảy ra tại khu vực mỏ và bãi tập kết cát mỏ số 18 của Công ty TNHH Minh Chung.
“Mở hội” trên sông
Ngày 26/4/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép số 148 cho phép Công ty TNHH Minh Chung (DN Minh Chung) được khai thác cát làm vật liệu xây dựng tại mỏ số 18 thuộc xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc) với diện tích 70.000m2, trữ lượng khai thác 251.236m3, công suất khai thác 17.000 m3/năm, độ sâu khai thác không quá cos -0,575m, thời hạn khai thác là 15 năm. Số tàu thuyền khai thác được DN Minh Chung đăng ký tại mỏ cát số 18 là 6 tàu. Thời gian đăng ký khai thác cho các tàu này là từ 7 giờ đến 17 giờ.
Tuy nhiên, tại khu vực mỏ số 18, chúng tôi lại ghi nhận được hình ảnh khác. Cụ thể, ngày 11/4, có ít nhất 8 tàu đang tổ chức hút cát trong phạm vi mỏ cát số 18. Theo quan sát, các tàu này tải trọng từ 70 đến trên 100m3, hầu như đều không có số hiệu (tàu không số).
Người dân thôn Sét (xã Định Hải, nằm đối diện khu vực khai thác cát) cho biết: Chỉ những khi quá khan cát, phía chủ mỏ mới cho nhiều tàu tới hút trong cùng thời điểm như vậy. Chứ bình thường, họ thường xuyên dùng khoảng 4 - 6 tàu cùng hút cát trong một thời điểm, sau khi hút đầy cát, các tàu cùng đi về bãi tập kết. Lúc ấy, lại có một đội tàu khác được điều động đến hút tiếp, quy trình đó cứ tiếp diễn ngày qua ngày và gần như không thể bắt lỗi họ vì do không thể xác định biển số tàu nên không thống kê được tổng số tàu đã hút cát là bao nhiêu.
Với công suất 17.000m3/năm, tính trung bình, mỗi tháng, DN khai thác chỉ khoảng 1.500m3 cát. Nhưng như thực tế đã ghi nhận, chỉ trong vòng 2 ngày, ít nhất, với 8 tàu hút, đã có khoảng gần 800m3 cát được đưa về. Nói như vậy để thấy, việc khai thác quá số tàu gây ra nguy cơ làm thất thoát tài nguyên của Nhà nước là lớn đến như thế nào.
Trở lại với thực địa, sau khoảng 2 giờ cắm vòi xuống lòng sông, trên khoang của mỗi chiếc tàu đều đã đầy cát. Lúc này, các tàu trở về phía dưới chân cầu Công (xã Vĩnh Hòa) rồi bơm cát lên bãi tập kết.
Tại nơi các tàu hút cát đậu, có một loại chất lỏng giống dầu loang lổ trên bề mặt sông, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước. Trên bãi tập kết với diện tích hàng nghìn m2, có hàng chục chiếc vòi hút, chực chờ đưa cát lên bờ. Tại đây, có 2 chiếc máy xúc thường trực hoạt động, sẵn sàng múc cát cho các xe tải mang đi tiêu thụ.
Một vấn đề bất cập nữa, đó là bãi tập kết cát của DN Minh Chung nằm ngay giữa lòng khu dân cư thôn Nhật Quang (xã Vĩnh Hòa), đồng thời, nằm ngay sát chân cầu Công.
Ở bãi này, không có trạm cân tải trọng, tường bao thì rất thấp nên nhiều lần cát bơm lên bị tràn sang phần đất canh tác của các hộ dân. Đối với hệ thống thu gom nước thải, tại bãi tập kết cát này gần như không triển khai mà chỉ đào 2 rãnh nhỏ, khi cát được bơm lên bờ, nước cát sẽ đi qua 2 rãnh rồi chảy ngược về sông Mã.
Muốn ngủ một giấc yên lành cũng khó
Buổi sáng, các xe tải vào lấy hàng chỉ khoảng 1 - 2 xe mỗi lần. Tuy nhiên, đến đêm, tại bãi tập kết cát như mở hội với hàng chục xe tải ra vào.
Ghi nhận vào tối các ngày 3, 4, 5, 6, 11, 12, 13/3; ngày 10, 11, 12/4, có hàng chục xe tải Howo... tới lấy cát tại đây. Thời điểm khoảng 23 giờ, tại giữa khu dân cư thôn Nhật Quang, tiếng gầm rú của máy xúc, tiếng rền vang của xe tải liên tục kêu lên inh ỏi khiến người dân sống gần đó cực kỳ khó chịu.
Chị Hoàng Thị Hảo (trú thôn Nhật Quang), sống ngay trên con đường từ bãi tập kết cát nối ra đường lớn cho biết: Điểm tập kết cát này hoạt động tấp nập cả ngày lẫn đêm, trời nắng thì bụi, trời mưa thì đường vô cùng bẩn và nhếch nhác. “Người dân ở đây chịu ảnh hưởng tiêu cực từ bãi cát này, họ hoạt động gần như 24/24, không có lấy vài giờ ngơi nghỉ. Thời gian vừa qua, thời tiết có mưa nên các xe tải ra vào lấy cát rất nhiều khiến đường sá bẩn thỉu, đất bắn hết vào cổng nhà tôi. Buổi tối, muốn ngủ một giấc yên lành cũng khó vì xe tải đi qua nhà cứ hú còi khiến người lớn thì đau đầu, trẻ con thì kêu khóc” - chị Hảo nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hảo - Trưởng thôn Nhật Quang, có 10 hộ dân trong thôn bị ảnh hưởng nặng nhất từ việc vận chuyển cát do nhà nằm trên trục đường ra vào bãi tập kết cát. “Chúng tôi cũng từng có ý kiến với chủ mỏ về việc nên hạn chế cho xe chạy đêm nhưng họ nói là do anh em chạy giờ đấy để tránh Công an kiểm tra. Nhìn thấy họ làm đêm đấy nhưng cứ đến khoảng 0 giờ là hết cát để bán rồi, nhiều lần, các xe tải lớn cũng phải ra về tay trắng vì đâu có hàng. Ngay như thôn đang làm con mương, chủ mỏ hứa tài trợ chợ 2 xe cát mà cả tuần nay đã có đâu” - ông Hảo nói.
Ông Nguyễn Văn Truy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Đối với việc khai thác quá số tàu, đến chủ mỏ cũng gặp khó trong vấn đề kiểm soát do có nhiều tàu là của hộ dân, họ chỉ làm thuê cho mỏ nên vấn đề quản lý là rất nan giải. Về vấn đề vận chuyển tại bãi tập kết gây ảnh hưởng đến người dân, ông Truy thừa nhận vấn đề này là đúng và cho biết đã nhiều lần nhắc nhở. Tuy nhiên, phía DN Minh Chung nói rằng mong muốn địa phương “thông cảm” vì anh em xe tải chạy đêm cũng là vì để đỡ bị kiểm tra.