Tàu lớn, khát vọng lớn... vươn khơi

Dương Thanh Tùng 14/03/2016 07:10

Những ngày qua, hàng loạt tàu vỏ sắt công suất lớn của ngư dân miền Trung được hạ thủy để vươn khơi. Điều đặc biệt, trên mũi mỗi con tàu mới đều có hình tượng chim hạc trống đồng – những biểu tượng tinh thần của dân tộc - tượng trưng cho khát vọng của ngư dân vươn khơi bám biển, khai thác nguồn lợi biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tàu lớn, khát vọng lớn... vươn khơi

Tàu cá vỏ thép đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng được hạ thủy thành công.

Luồng gió mới

Đến nay đã có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng tàu cá với trên 1.000 tàu đóng mới và 213 tàu nâng cấp. Trong số này có 473 tàu cá vỏ sắt (TCVS), 58 tàu vỏ vật liệu mới, trên 550 tàu vỏ gỗ. Đến cuối tháng 2/2016, có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp hạ thủy đi vào hoạt động. Đây là thông tin do Bộ NN&PTNT đưa ra tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị định 67/2014/NĐ – CP của Chính phủ (NĐ 67), do Ngân hàng (NH) Nhà nước, Đảng ủy khối doanh nghiệp Nhà nước và tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức tại TP Quảng Ngãi ngày 7/3 vừa qua.

Theo báo cáo của NH Nhà nước, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện NĐ 67, các NH thương mại cả nước đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp gần 400 tàu cá và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng số tiền khoảng 4.000 tỷ đồng. Giải ngân và dự nợ đến thời điểm tháng 3/2016 đạt gần 2.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, 14 hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá công suất lớn đã được ký kết giữa các ngân hàng thương mại với ngư dân 28 tỉnh, TP ven biển, với số tiền cam kết cho vay trên 190 tỷ đồng. NĐ 67 đang thổi luồng gió mới cho phong trào đóng tàu công suất lớn, đặc biệt là TCVS của ngư dân các địa phương ven biển miền Trung.

Quảng Ngãi được đánh giá là địa phương đi tiên phong trong phong trào đóng mới TCVS. Sau đó là lần lượt các tỉnh thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Trị. Đến cuối năm 2015, chỉ riêng huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi đã có 4 chiếc TCVS công suất đến 810 CV hành nghề lưới rê, câu mực được hạ thủy. Huyện đảo Lý Sơn hiện có 428 tàu, thuyền với tổng công suất đạt trên 60.000 CV. Hơn môt nửa tàu thuyền đánh bắt của Lý Sơn có công suất trên 90 CV ngày đêm bám ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa…

Trước đó, vào tháng 4/2014, TCVS đầu tiên ở Quảng Ngãi mang tên Hoàng Anh 1 được hạ thủy. TCVS này dài 25,21m, rộng 7,5m, cao 3,6 m, tổng trọng lượng khoảng 120 tấn, công suất trên 903 CV. Ông Mai Thành Văn, chủ tàu cá Hoàng Anh 1 (trú tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cho biết, 6,5 tỷ đồng đầu tư đóng tàu (chưa bao gồm ngư – lưới cụ cùng vật tư, phương tiện phục vụ đánh bắt khác) sẽ được ông trả dần cho doanh nghiệp đóng tàu trong khoảng 7 năm.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay địa phương này đã phê duyệt 5 đợt cho 56 tàu cá đăng ký đóng mới, trong đó có 18 tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần được các NH thương mại ký hợp đồng tín dụng cam kết cho vay 166 tỷ đồng và đã giải ngân 117 tỷ đồng. Hiện đã có 14 tàu hoàn thành đưa vào khai thác.

Thông tin từ một NH thương mại cũng cho biết, NH này đặt mục tiêu đến đến năm 2017, các tỉnh miền Trung, chủ yếu là ngư dân 3 địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ được hỗ trợ để có 1.000 TCVS công suất trên 1.000 CV.

Biểu tượng Việt Nam ra biển lớn

Ngày 13/3, đúng 3 ngày sau khi TCVS mang số hiệu ĐNa 90777 của ngư dân Trần Văn Mười (trú tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), được hạ thủy, chúng tôi trở lại âu thuyền Thọ Quang và gặp ở đây những bạn nghề câu mực của ông Mười đang chuẩn bị cho chuyến đánh bắt dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Con tàu sắt vững chãi, hiên ngang với hình chim hạc chầu trống đồng ở mũi thuyền, giữa hàng ngàn tàu gỗ ở âu thuyền Thọ Quang, cho chúng tôi có cảm giác đầy phấn khởi về một tâm thế mới của ngư dân giữa trời biển bao la của tổ quốc.

TCVS của ngư dân Trần Văn Mười được hạ thủy sau đúng 1 năm với bao lo toan, vất vả. Đây là TCVS được đóng mới đầu tiên của ngư dân Đà Nẵng theo NĐ 67 với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng. Nếu tính cả ngư lưới cụ, phương tiện, vật tư phục vụ đánh bắt, tổng mức đầu tư của con tàu hành nghề câu mực xà ở biển xa này lên đến 24 tỷ đồng.

Mừng vui trào nước mắt khi con tàu chạm nước trong lễ hạ thủy; ngư dân Trần Văn Mười nói rằng ông đặt tên con tàu là An Nam với chim hạc chầu trống đồng ở mũi tàu vì nó không chỉ là tài sản, cơ nghiệp cha truyền con nối của dòng họ lâu đời đi biển mà khi đánh bắt trên biển xa, nó còn là linh hồn, là ý chí của một dân tộc quật cường chống ngoại xâm, bảo vệ biển trời thiêng liêng được tổ tiên con Lạc cháu Hồng gìn giữ.

Tàu cá vỏ thép ĐNa 90777 rộng 7,5 mét, cao 3,9 mét, dài 30,8 mét, công suất 822 CV, đạt tốc độ tối đa 10 hải lý/giờ, đảm bảo để đội tàu từ 20 đến 40 người đánh bắt xa bờ liên tục 30 ngày. Khoảng một tháng sau khi hạ thủy, ông Trần Văn Mười sẽ cùng 40 bạn nghề ra khơi đánh bắt tại các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa.

“Tui vay Nhà nước thì tui phải trả đúng hẹn. Trả nợ xong, tui lại vay tiếp để đóng con tàu sắt lớn hơn” – ông Trần Văn Mười khẳng khái nói với chúng tôi và các bạn nghề đã bao năm cùng ông lênh đênh nhọc nhằn, thậm chí từng cận kề cái chết trong cơn bão Chan Chu 2006.

Một cảm giác rất lạ, rất thiêng liêng ánh lên không chỉ từ biểu tượng chim hạc chầu trống đồng nơi mũi con tàu ĐNa 90777 của ông Trần Văn Mười mà còn ánh lên từ ánh mắt tràn đầy niềm hân hoan và hi vọng của những ngư dân chai sạn sóng nước của làng biển Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ, Xuân Hà của TP Đà Nẵng trong buổi đến chung vui ngày hạ thủy con tàu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu lớn, khát vọng lớn... vươn khơi