Tây Ban Nha sẵn sàng tước quyền tự trị của Catalonia

27/10/2017 19:05

Thủ tướng Tây Ban Nha hôm 27/10 đã thúc giục các Tượng nghị sỹ nước này thông qua cấc biện pháp nhằm áp đặt quyền lực trực tiếp đối với xứ Catalonia và sa thải Thủ hiến hiện thời của khu vực này nhằm ngăn chặn khả năng nó tách độc lập khỏi chính quyền Madrid.


Chính quyền trung ương Tây Ban Nha nhất trí sẽ tước quyền tự trị của Catalonia. (Nguồn: Reuters).

Biện pháp cứng rắn

Thủ tướng Mariano Rajoy đã yêu cầu Thượng viện, nơi mà đảng của ông giành phần lớn số ghế, tiếp tục tiến trình "sa thải Thủ hiến của chính quyền xứ Catalan, cấp phó của ông và tất cả các vị Bộ trưởng của khu vực này". Vào cuối ngày thứ Sáu (giờ địa phương), Thượng viện cũng tổ chức cuộc bỏ phiếu để thông qua các biện pháp tước quyền tự trị của Catalonia, sau khi khu vực này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi hôm 1/10.

Theo ghi nhận từ các hãng truyền thông, giới Thượng nghị sỹ Tây Ban Nha hoàn toàn ủng hộ các biện pháp mà ông Rajoy đưa ra.

Trong khi đó, nhiều người dự đoán rằng giới lãnh đạo của xứ Catalan sẽ phản kháng bằng cách chính thức tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha. Nghị viện xứ Catalan cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn ở thủ phủ Barcelona trong cùng ngày, nơi mà các nhà lập pháp đề xuất một cuộc bỏ phiếu về việc tách độc lập khỏi Tây Ban Nha.

Trong hôm 26/10, Thủ hiến xứ Catalan, ông Carles Puigdemont, đã quyết định sẽ không tổ chức một cuộc bầu cử sớm để lập ra Nghị viện khu vực mới - vốn được xem là cách duy nhất để tránh khỏi tầm ảnh hưởng quyền lực của chính quyền Madrid.

Cảnh báo rằng việc chính quyền trung ương tước quyền tự trị của Catalan sẽ chỉ khiến khủng hoảng gia tăng, ông Puigdemont đã để cho Nghị viện khu vực "cân nhắc về những hậu quả có thể xảy ra" của việc bị tước quyền tự trị, bởi vậy mà mở ra lựa chọn tuyên bố độc lập.

Tây Ban Nha và Catalonia đã “sa lầy” trong bất đồng chính trị kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi về việc khu vực 7,5 triệu dân này tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha nhận được đa số phiếu nói "Có". Tuy nhiên, chỉ có khoảng 43% cử tri đi bỏ phiếu, trong khi những người phản đối lại tẩy chay cuộc trưng cầu này, và nhiều người khác cũng bị cảnh sát Tây Ban Nha ngăn cản bỏ phiếu.

Dựa trên kết quả trưng cầu, ông Puigdemont đe dọa sẽ tuyên bố độc lập, điều mà ông Rajoy mô tả là "một thách thức chưa từng có tiền lệ".

Chính quyền Madrid đã kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha - một điều khoản nhằm ngăn chặn làn sóng nỗi dậy của 17 khu vực ở nước này nhưng chưa từng được sử dụng tới. Các biện pháp chiếu theo Điều 155 sẽ đi vào hiệu lực bắt đầu từ ngày 28/10, trong đó chính phủ trung ương tạm thời giành quyền kiểm soát dịch vụ công, lực lượng cảnh sát, tài chính và kênh truyền thông của xứ Catalan.

Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria khẳng định rằng chính phủ Tây Ban Nha đang "thực thi cam kết pháp lý, cam kết dân chủ và cam kết chính trị" bằng việc đưa ra các biện pháp mới này. Tuy nhiên, động thái này đã khiến người dân xứ Catalan trở nên phẫn nộ vì muốn bảo vệ quyền tự trị của họ.

Những người ủng hộ độc lập của xứ Catalan đã sẵn sàng đưa ra phản ứng. Ông Albert Botran, một nhà lập pháp khu vực Catalonia, nói rằng ông sẽ "gây khó khăn cho chính phủ bất hợp pháp mới" trong trường hợp chính quyền khu vực cũ bị thay thế. "Hành động đầu tiên của chúng tôi sẽ là phản kháng", ông Botran nói.

Tách khỏi hoặc không

Nghị viện xứ Catalan trong tối hôm 26/10 cũng đã tổ chức một cuộc thảo luận về vấn đề này, trong đó các nhà lập pháp đối lập đề nghị ông Puigdemont tìm một giải pháp được Liên minh châu Âu (EU) - khối đang tỏ ra hết sức quan ngại trước làn sóng ly khai này - hậu thuẫn.

"Các bạn vẫn còn thời gian để lấy lại sự hợp pháp và kêu gọi bầu cử sớm" -ông Ines Arrimadas, một lãnh đạo đối lập có quan điểm chống ly khai của Catalan, nói.

Được biết người dân xứ Catalan đặc biệt tỏ ra gay gắt trong việc bảo vệ quyền tự trị, ngôn ngữ riêng và nền văn hóa riêng của họ - những thứ được phục hồi sau thời kỳ độc tài Francisco Franco trong khoảng thời gian 1939-1975.

Những quan ngại về vấn đề kinh tế của xứ Catalan càng làm gia tăng tình trạng bất ổn trong viễn cảnh họ tách ra độc lập khỏi Tây Ban Nha, sau khi có khoảng 1.600 công ty đã di dời các trụ sở làm việc của hỏi khỏi khu vực này trong những tuần gần đây. Xứ Catalonia được coi là đầu tàu kinh tế của Tây Ban Nha, đóng góp tới 16% dân số và 1/5 sản lượng kinh tế của nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Ban Nha sẵn sàng tước quyền tự trị của Catalonia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO