Tây Nguyên: Chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề

Tuấn Anh 01/03/2016 08:15

Sáng 29/2, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên. 

Tây Nguyên: Chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề

Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, giai đoạn 2011-2015 mạng lưới trường, lớp trong toàn vùng Tây Nguyên đã được củng cố, phát triển phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của các địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Trong 5 năm (2011-2015), đã tăng 74 trường mần non; 44 trường tiểu học; 20 trường THCS; 15 trường THPT; 4 trường PTDTNT; hơn 40 trường PTDTBT, 1 trường đại học tư thục. Quy mô giáo dục mần non, phổ thông tăng hàng năm, tỷ lệ sinh viên trên 1 vận dân đạt 230. Tỷ lệ trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày, trẻ em được ăn bán trú tăng, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 9%, tất cả trẻ em người DTTS đều được chuẩn bị tiếng việt; tất cả các tỉnh trong vùng đều đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi… Nhiều chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, cho vay đi học đã giúp nhiều học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội đến trường. Cùng với đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tăng về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục. Cụ thể, năm học 2014-2015, toàn vùng có 83.505 giáo viên mần non; phổ thông và thường xuyên tăng 10% so với năm học 2011-2012.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục và đào tạo của các tỉnh Tây Nguyên còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt được như mong muốn. Cụ thể, với hệ giáo dục mần non tỷ lệ huy động trẻ em dưới 3 tuổi chỉ đạt 8% (chỉ tiêu 12-15%); công tác phổ cập giáo dục mần non cho trẻ 5 tuổi chưa hoàn thành vào năm 2015 do thiếu nguồn lực. Giáo dục phổ thông tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở cấp THCS, THPT đạt thấp (THCS đạt 81,58% trong khi chỉ tiêu 87-90%; THPT đạt 50,05%, chỉ tiêu 60%)…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về công tác phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên như: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch cơ sở giáo dục-đào tạo phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của vùng và của từng địa phương; sắp xếp, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề cấp huyện; tiếp tục đầu tư xây dựng và củng cố hệ thống trường PTDTNT đáp ứng quy mô phát triển giáo dục vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, triển khai chương trình kiên cố hóa trường học, lớp học giai đoạn 2016-2020; đặc biệt, hiện nhiều học sinh, sinh viên nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số sau khi ra trường vẫn chưa bố trí được việc làm phù hợp, chưa tìm được việc làm cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu tại hội nghị…

Đối với công tác dạy nghề, các đại biểu thống nhất mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ dạy nghề cho khoảng 680.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 10-12%; có khoảng 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn; đến năm 2020 trong vùng có ít nhất 2 trường nghề đạt tiêu chí trường nghề chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Nguyên: Chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO