Techcombank dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất về 22.000 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh này của Techcombank nhằm mục tiêu tiếp tục tập trung nguồn vốn để đầu tư cho nền tảng và phục vụ chiến lược kinh doanh sắp tới.
Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Techcombank cho biết, việc trích quỹ này là nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Với tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 3,2%, Techcombank tiếp tục ở vị thế đầu ngành về hiệu quả hoạt động và khả năng quản lý tài sản tốt.
Ngân hàng này cũng duy trì đà tăng trưởng bền vững trong cả năm 2022, bất chấp một số thách thức từ bối cảnh thị trường trong quý 4, với tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận đều tăng trưởng trên hai con số.
Đại diện Techcombank cho biết, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu quản lý nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5% trong năm 2023; tăng cường các giải pháp quản trị tài chính để duy trì thanh khoản cùng doanh nghiệp; tăng cường các trải nghiệm cá nhân hóa và hợp tác cùng các đối tác lớn để gia tăng ưu đãi cho khách hàng.
Với tổng tiền gửi đạt là 358.400 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái, Techcombank tiếp tục có lợi thế mạnh về vốn cùng với các khoản vay hợp vốn kỷ lục đã được thực hiện năm 2022. Tiền gửi có kỳ hạn đạt 225.900 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ và số dư CASA đạt 132.500 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.
Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu càng cao, sức chống chịu của ngân hàng càng lớn, đặc biệt trong giai đoạn hoạt động môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn khủng hoảng.
Vốn chủ sở hữu lớn giúp ngân hàng tạo uy tín trên thị trường, tăng khả năng huy động vốn và mở rộng tín dụng, đa dạng hóa danh mục cho vay. Hiện, vốn chủ sở hữu của Techcombank là 113.424 tỷ đồng.
[Tăng trưởng tiền gửi 14%, Techcombank tạo bộ đệm tín dụng bền vững]