Người đi chùa cần tránh những điều kiêng kỵ để truyền thống này luôn là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Không ăn mặc xuề xòa, phản cảm
Chùa chiền là nơi tâm linh thờ tụng. Vì vậy, khi đi lễ chùa, chúng ta cần chú ý tới trang phục của mình sao cho đúng "thuần phong mỹ tục", không nên ăn mặc quá xuề xòa hay hở hang. Hãy bày tỏ lòng thành nơi linh thiêng bằng cách bỏ mũ, tháo kính râm khi vào điện thờ.
Điều đầu tiên du khách cần nhớ là không mặc quần áo ngắn, lựa chọn những bộ quần áo có màu sắc nhã nhặn, che kín chân và vai khi vào chùa ngay cả khi trời nắng nóng. Trong dịp lễ Tết, nhiều ngôi chùa nổi tiếng có bán hoặc cho khách mượn tấm vải quấn quanh eo hoặc áo lam.
Không đi cửa chính vào chùa
Khi bước vào nhà chính của chùa, nên bước vào cửa Giả quan (bên phải) và bước ra bằng cửa Không quan (bên trái). Đồng thời, không dẫm lên bậu cửa, phải bước qua bậu cửa, nếu không sẽ phạm tội bất kính.
Cổng chính vào chùa còn gọi là cổng Tam quan, theo quan niệm xưa cửa giữa chỉ dành cho đức Phật, Ngọc đế, Quốc vương. Nếu bạn để ý sẽ thấy nhiều chùa không mở cửa chính.
Không đi giày dép vào Phật đường, Tam Bảo
Hầu hết các chùa ở Việt Nam đều hướng dẫn người đến lễ đặt dép, giày ở ngoài vì khu vực Tam bảo, Phật đường là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp.
Không được làm ồn hoặc nói những lời bất kính. Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng Phật. Cần tránh thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật, Thánh.
Không tùy tiện nhét tiền công đức
Nhiều người đã làm sai lệch ý nghĩa của hành động góp tiền công đức khi đem tiền lẻ rải khắp nơi, từ tượng thờ, bàn thờ, hốc cây, thậm chí khe cửa. Đây là một hành động đại kỵ mà mọi người cần tránh.
Trong chùa luôn có hòm đựng tiền công đức, được để ở nơi dễ nhìn thấy. Hãy đặt vào các vị trí được chỉ dẫn đó để việc làm mang ý nghĩa tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Chú ý việc đi lại trong chùa
Việc đi lại trong chùa cần được chú ý, không nên đi ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
Không dùng miệng thổi tắt hương/nến
Khi đốt hương/nến, tuyệt đối tránh việc thổi tắt bằng miệng mà hãy dùng tay phẩy nhẹ nhàng.
Không chạm, sờ vào tượng Phật
Nhiều người đi lễ chùa có hành động sờ mó, xoa tiền hay chạm vào tượng Phật sẽ giúp mang lại nhiều tài lộc, sức khỏe. Đây là một quan niệm mê tín và sai lầm và được xem là bất kính, làm nhiễu loạn không khí thanh tịnh, linh thiêng vốn có nơi cửa Phật.
Không tự ý chụp ảnh/quay phim tượng Phật
Chùa vốn là nơi thờ Phật, chốn linh thiêng, vì vậy, quay phim hay chụp ảnh là điều kiêng kỵ. Nhiều đền chùa vẫn cho phép khách chụp ảnh, song để chắc chắn, bạn nên xin phép người quản lý hay sư thầy trước và không bật đèn flash.
Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện
Chính điện là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn chỉ được đặt tại khu vực thờ các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng tại ban thờ hay điện thờ.
Vào đầu năm mới, hầu hết các đền, chùa đều rất đông người đến lễ bái. Vì vậy, bạn hãy cố gắng để ý những người xung quanh, tránh cản trở lối đi chung, chen lấn hay xô đẩy. Lưu ý đến tư trang, cất tiền hoặc những vật dụng có giá trị trong túi đeo trước ngực, tránh đeo trang sức quá phô trương.