Công nghệ

Tết trong kỷ nguyên công nghệ: Phong tục đón Tết 'chuyển mình' trong cách mạng 4.0

Hoàng Chiến 29/01/2025 08:00

Sự phát triển của công nghệ đã tác động sâu sắc đến cách người Việt đón Tết, nhiều phong tục cổ truyền cũng đang chuyển mình trong kỷ nguyên số.

Tết “ảo” nhưng kết nối thật

Sau thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, anh Nguyễn Hoàng Huy (34 tuổi, xã Sen Phương, Phúc Thọ, Hà Nội) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, vẫn luôn đặt sẵn chiếc điện thoại thông minh với cuộc gọi video trên ứng dụng Messenger.

Tròn 10 năm xa quê hương làm ăn, sự phát triển của công nghệ đã giúp anh Huy năm nào cũng được đón Tết Online cùng gia đình. Những lời chúc Tết Online, những tấm thiệp tạo sẵn trên các ứng dụng di dộng, những bao lì xì qua mã QR… đã trở thành quen thuộc.

ddk_8283.jpg
Những cuộc gọi video trở nên phổ biến trong những ngày Tết với gia đình anh Nguyễn Hoàng Huy.

Dù múi giờ tại Hàn Quốc hơn Việt Nam 2 tiếng nhưng năm nào anh Huy cũng cố thức để gửi lời chúc đến bố mẹ và người thân. Đồng thời, tiếng thông báo chuyển tiền lì xì trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến của từng thành viên trong nhà cũng đồng thời vang lên.

“Tại Hàn Quốc, thông qua camera giám sát có kết nối internet ở nhà, tôi vẫn có thể dễ dàng theo dõi các hoạt động đón Tết của gia đình. Mọi người gói bánh chưng ra sao, bố mẹ cúng Giao thừa thế nào, cảnh cả nhà quây quần bên mâm cơm ngày Tết… Nhưng dù công nghệ hiện đại có thể giúp kết nối bao nhiêu cũng không thể thay thế cảm giác được đón Tết trực tiếp. Không khí đầm ấm, quây quần những ngày Tết tại Việt Nam vẫn luôn khiến tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, nhớ nhà, nhớ quê hương,… nhất là trong khoảnh khắc Giao thừa”, anh Huy chia sẻ.

Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, nhiều phong tục của Tết cổ truyền cũng đang chuyển mình trong kỷ nguyên số. Đây là một trong những xu thế tất yếu trong sự phát triển của cuộc sống hiện đại.

Những năm gần đây, thay vì chen chúc trong các khu chợ Tết, người tiêu dùng đã dần chuyển sang đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử. Thậm chí, việc mua sắm giờ đây còn được hỗ trợ bởi công nghệ thanh toán không chạm như ví điện tử hay QR Code, giúp giảm bớt áp lực ngày cận Tết. Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít người hoài niệm về cảm giác rộn ràng khi được chọn từng cành đào, cây quất ngoài chợ xuân.

Việc biếu quà người thân, bạn bè cũng có thể thay thế được bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, hay các dịch vụ giao hàng tiện lợi,…

Bên cạnh đó, những chuyến thăm hỏi trực tiếp là nét đặc trưng của ngày Tết, thì nay, một tin nhắn chúc mừng qua Zalo, một cuộc gọi video call qua Messenger đã trở thành lựa chọn quen thuộc. Dịch vụ thiết kế thiệp điện tử cá nhân hóa, hay các video chúc mừng Tết tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ nhanh chóng mà còn sáng tạo hơn bao giờ hết.

ddk_8288.jpg
Dịch vụ thiết kế thiệp điện tử cá nhân hóa, hay các video chúc mừng Tết tạo bởi trí tuệ nhân tạo (AI), không chỉ nhanh chóng mà còn sáng tạo hơn bao giờ hết.

Công nghệ đã và đang không chỉ làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp, mua sắm, thực hiện các phong tục đón Tết mà còn thay đổi cả cách chúng ta lưu giữ giá trị văn hóa.

Trách nhiệm trao truyền của thế hệ đi trước

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS. Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, nhìn về tương lai, công nghệ có thể sẽ còn thay đổi cách chúng ta đón Tết nhiều hơn nữa. Các phong tục cổ truyền có thể dần được công nghệ thay thế theo hướng hiện đại hóa, với các hình thức mới. Thậm chí nhiều phong tục cổ truyền còn có nguy cơ biến mất.

Do đó, chuyên gia cho biết, Tết không chỉ là thời điểm để tận dụng những tiện ích của công nghệ mà còn là dịp để giữ lại những giá trị cốt lõi của sự đoàn viên, sự sẻ chia và kết nối thực sự giữa con người với con người.

Đặc biệt là giới trẻ - đối tượng chịu sự ảnh hưởng nhiều nhất của công nghệ, cần có cách ứng xử hài hòa giữa hiện đại và truyền thống. Cần biết cách sử dụng công nghệ là những công cụ làm mới Tết, đóng góp vào việc làm đẹp thêm Tết cổ truyền, chứ không lạm dụng để làm phai nhạt đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có của Tết Việt.

467331031_10161079267117585_3742819679543758229_n.jpg
TS. Nguyễn Nga Huyền, giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Theo TS. Nguyễn Nga Huyền, để làm được điều đó, vai trò và trách nhiệm của thế hệ đi trước là rất quan trọng. Trong sự chuyển mình của Tết hiện đại dưới tác động của công nghệ, thế hệ đi trước phải trở thành cầu nối giữa gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hoá tốt đẹp của Tết truyền thống cho giới trẻ.

TS. Nguyễn Nga Huyền cho rằng, người lớn không chỉ nên dạy trẻ những nghi lễ, phong tục Tết đơn thuần mà còn phải giải thích ý nghĩa sâu xa của những phong tục ấy. Những phong tục tưởng chừng đơn giản nhưng lại chính là bài học trải nghiệm thực tế về lòng biết ơn, sự kính trọng tổ tiên và ý nghĩa của sự đoàn tụ gia đình... trong dịp Tết.

Việc trao truyền các giá trị của phong tục Tết cũng không nên chỉ dừng lại ở lời nói, mà cần được thể hiện qua hành động và những trải nghiệm cụ thể. Khi người lớn thực hành những phong tục Tết một cách tự nhiên, nhiệt thành, biết ơn, kính cẩn… trẻ em sẽ tự động tiếp thu và gìn giữ.

"Nếu thế hệ trước không đủ quan tâm, sự mai một phong tục Tết sẽ xảy ra không phải vì công nghệ, mà chính vì thiếu đi sự dẫn dắt đúng đắn. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, khi trẻ em dễ bị cuốn vào các thiết bị điện tử và mạng xã hội, thế hệ đi trước cần tạo ra những trải nghiệm phong tục Tết thực tế để gắn kết gia đình, người thân, bạn bè…", TS. Nguyễn Nga Huyền nói.

Thế hệ đi trước có trách nhiệm gieo mầm những giá trị tốt đẹp của Tết, để mỗi thế hệ sau không chỉ hiểu, mà còn tự hào khi tiếp nối, phát triển truyền thống ấy. Đó chính là cách để Tết, dù ở kỷ nguyên nào, thời đại nào hay sự phát triển của bất kì loại hình công nghệ nào vẫn là thời khắc thiêng liêng và đáng nhớ trong đời sống người Việt.

"Tết, dù xưa hay nay, vẫn luôn là dịp để con người sống chậm lại, hướng về gia đình và nguồn cội. Công nghệ chỉ là phương tiện, không nên trở thành mục đích. Ngược lại, với cái nhìn tích cực, nếu công nghệ được sử dụng đúng cách cùng với sự dẫn dắt khéo léo của thế hệ đi trước, Tết trong tương lai sẽ vừa hiện đại, tiện lợi nhưng vẫn đậm chất truyền thống, trở thành cầu nối gắn kết chặt chẽ giữa các thế hệ. Đây sẽ là dịp để mỗi gia đình không chỉ tận hưởng những giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt mà còn sáng tạo thêm nhiều cách đón Tết mới mẻ, đầy ý nghĩa…”, TS Nga Huyền nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tết trong kỷ nguyên công nghệ: Phong tục đón Tết 'chuyển mình' trong cách mạng 4.0